378 hồ sơ kiến nghị khởi tố về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Tính đến tháng 8/2023, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi 378 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử do cơ quan Công an xác định chưa đủ căn cứ để khởi tố nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hoặc ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Tâm Trung)
Đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Tâm Trung)

Đây là thông tin từ hội nghị tập huấn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác kiến nghị khởi tố và giám định tư pháp theo lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam diễn ra ngày 18/10.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trụ sở 63 bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chương trình nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cần thiết đối với công chức, viên chức làm công tác pháp chế, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và người giám định tư pháp theo vụ việc của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam. Qua đó, nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của viên chức làm công tác pháp chế, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc của công chức, viên chức ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tính đến tháng 8/2023, toàn ngành đã gửi 378 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng đến nay chưa có bất kỳ vụ việc nào được đưa ra xét xử do cơ quan Công an xác định chưa đủ căn cứ để khởi tố nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, trong việc tổ chức thực thi nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, công tác pháp chế đóng vai trò quan trọng giúp hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước, quản lý xã hội tuân theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, công tác pháp chế có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu giúp Tổng Giám đốc điều hành các hoạt động của ngành bằng pháp luật; công tác pháp chế gắn liền với các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị để bảo đảm các hoạt động của ngành tuân thủ quy định của pháp luật.

Trong những năm qua, chất lượng công tác pháp chế ngày càng được nâng cao, kịp thời tham mưu, tư vấn các vấn đề liên quan đến tính pháp lý không chỉ đối với các đơn vị nghiệp vụ mà còn đối với bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố. Ở địa phương, công tác pháp chế cũng đã được quan tâm và từng bước đi vào nền nếp, phát huy vai trò và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cũng theo ông Chu Mạnh Sinh, thời gian gần đây, lĩnh vực công tác pháp chế được bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể như: Giúp Tổng Giám đốc theo dõi, kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Làm đầu mối tiếp nhận, tham mưu phân công tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Là đầu mối theo dõi, hướng dẫn thực hiện kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các nhiệm vụ này gắn liền với hoạt động của bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện trong toàn ngành bằng các văn bản như: Quyết định 307/QĐ-BHXH ngày 31/3/2021 về công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Quyết định số 705/QĐ-BHXH ngày 19/5/2023 quy trình công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Công văn số 239/BHXH-PC hướng dẫn tiếp nhận, xử lý thông tin; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù cán bộ thực hiện công tác pháp chế toàn ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ nhưng công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, tính đến tháng 8/2023, toàn ngành đã gửi 378 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng đến nay chưa có bất kỳ vụ việc nào được đưa ra xét xử do cơ quan Công an xác định chưa đủ căn cứ để khởi tố nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố.

Về giám định tư pháp, từ năm 2022 đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận được 4 quyết định trưng cầu giám định tư pháp theo vụ việc. Ở địa phương cũng đã có một số tỉnh nhận được quyết định trưng cầu giám định tư pháp và đang triển khai thực hiện.

Trong khi đó, cơ cấu tổ chức, nhân lực thực hiện công tác pháp chế phải tuân theo chính sách chung là ngày càng tinh gọn. Ở địa phương, không có hệ thống chỉ đạo ngành dọc, không có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác pháp chế mà 100% là cán bộ kiêm nhiệm. Các nhiệm vụ lĩnh vực pháp chế được giao cho nhiều phòng chức năng đảm nhiệm nên phân tán, không có đầu mối chung khiến việc hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Chu Mạnh Sinh, để khắc phục các khó khăn nêu trên cũng như nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ lĩnh vực pháp chế trong toàn ngành, đòi hỏi phải thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế ở cả Trung ương và địa phương đáp ứng yêu cầu tinh gọn nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác kiến nghị khởi tố và giám định tư pháp theo vụ việc và lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với mong muốn đây sẽ là diễn đàn để cán bộ làm công tác pháp chế trong toàn ngành trao đổi nghiệp vụ, kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.