Hoa ngũ sắc ở Vườn Chuối

Hàng nghìn hiện vật đã được tìm thấy trong khu vực khai quật rộng 500 m2 ở gò Dền Rắn, thuộc khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Lai Xá, Hoài Ðức, Hà Nội), trong đợt khai quật di dời để trả mặt bằng cho tuyến đường vành đai 3,5 diễn ra vào cuối năm 2020.

Những dấu tích cư trú của người Việt cổ được tìm thấy ở Vườn Chuối.
Những dấu tích cư trú của người Việt cổ được tìm thấy ở Vườn Chuối.

Các nhà khoa học sẽ còn phải mất nhiều thời gian để đưa ra những kết quả nghiên cứu cụ thể về số hiện vật thu được này. Nhưng, với họ, và với những người dân Lai Xá, số hiện vật ấy không chỉ mang ý nghĩa về mặt khoa học, đó còn là kết quả của rất nhiều nỗ lực đấu tranh bền bỉ, không khoan nhượng, để có thể giữ gìn và bảo vệ giá trị của khu di chỉ khảo cổ học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này - di chỉ Vườn Chuối.

Ðược phát hiện và khẳng định giá trị từ rất sớm, năm 1969, di chỉ khảo cổ có niên đại kéo dài hơn 1.000 năm, được đánh giá là hiếm có và độc đáo này, là nơi lưu giữ dấu tích cư trú lâu dài của người Việt cổ, góp phần cung cấp chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm trên địa bàn Hà Nội. Có giá trị lớn, và đã trải qua tám lần được tiến hành khai quật, di chỉ này lại chưa từng được đưa vào danh sách xếp hạng di tích, nên đã nhiều lần bị những kẻ đào trộm cổ vật xâm hại, và đối diện nguy cơ bị xóa sổ khi bị đưa vào quy hoạch của khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch và tuyến đường vành đai 3,5 của TP Hà Nội.

Vườn Chuối có số phận long đong như nhiều di chỉ khảo cổ học trên cả nước, nhưng Vườn Chuối cũng là một mẫu hình tiêu biểu về sự chung tay của người dân và nhà khoa học để bảo vệ và giữ gìn di sản. Nhờ sự quyết liệt và tâm huyết của rất nhiều người dân Lai Xá, di sản đã được bảo vệ trước rất nhiều cuộc xâm hại của những nhát cuốc (của kẻ đào trộm cổ vật) và máy xúc (của chủ đầu tư khu đô thị). Ðến giờ, sau rất nhiều cuộc hội thảo quy tụ các nhà khảo cổ học hàng đầu trong cả nước, Vườn Chuối đang được cơ quan chức năng tiến hành xây dựng hồ sơ để công nhận di tích. Khoảng 6.000 m2 nửa phía đông của di chỉ dự kiến sẽ được khoanh vùng bảo vệ. Phần còn lại (có khu vực gò Dền Rắn) được chủ đầu tư khu đô thị cấp kinh phí để khai quật di dời…

Dẫn chúng tôi tham quan hố khai quật trong một buổi chiều đông gió rét, TS Phạm Thanh Sơn (Viện Khảo cổ học) chỉ mấy người phụ nữ quấn khăn kín mặt, nói: "Họ là những người đã cùng chúng tôi đi khai quật khảo cổ suốt mười mấy năm nay đấy". Chợt, một người phụ nữ dừng tay, đưa cho TS Sơn nắm hoa ngũ sắc vừa hái trên khoảng ruộng bên cạnh, nhìn tôi, giải thích: "Ðể chữa viêm xoang! Ði đào khảo cổ toàn giữa cánh đồng, ai bị viêm xoang thì buốt lắm!".

Bất giác, tôi nhớ đến tên vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - "Tin ở hoa hồng". Chợt nghĩ, không chỉ hoa hồng mà những bông hoa ngũ sắc, bên bờ hố khai quật khảo cổ giữa cánh đồng hút gió, cũng có thể mang lại niềm tin và sức mạnh, cho những con người tâm huyết và chân thành, với di sản.

LUÂN VŨ