Ðến nay, chưa có thống kê đầy đủ về các lễ hội ở Sóc Trăng, bởi lẽ nhiều phong tục, tập quán các dân tộc đã và đang được khôi phục. Nhưng có thể nói, lễ hội mùa xuân rất phong phú. Người Sóc Trăng vẫn tự hào có nhiều lễ, Tết. Tất nhiên, các dịp này đều là niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc anh em. Các ngày Tết với những hoạt động văn hóa, phong tục tập quán diễn ra giao thoa một cách tự nhiên để các gia đình cùng hướng đến một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn.
Cũng giống đồng bào Kinh và Hoa, người Khmer ở Sóc Trăng vẫn ăn Tết Nguyên đán và thậm chí còn có tên gọi riêng là ăn "Chét". Các phum sóc sửa soạn khang trang hơn và trang trí cờ hoa đón mừng xuân mới. Sinh hoạt cộng đồng có phần vui hơn khi các nhạc cụ cùng hòa âm, tạo nên sinh khí hân hoan cho ngày đầu năm. Trong căn nhà mới ấm cúng, gia đình chị Danh Thị Bông, hộ thoát nghèo tiêu biểu của xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên, nơi có hơn 70% số dân là đồng bào Khmer, đã chuẩn bị mọi thứ đủ đầy để đón Tết thật tươm tất và đón các con đi làm ăn xa cùng về sum họp. Gia đình chị Bông là một trong gần 7.000 hộ thoát nghèo trong năm 2020, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Sóc Trăng từ 4,9% xuống còn hơn 2,5%.
Mâm cỗ tất niên đầy đủ hương vị các dân tộc tại nhà ông Tư Biển, một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở thị xã Ngã Năm, nơi có chợ nổi hình thành hàng trăm năm nay vẫn còn hoạt động sầm uất, sung túc. Chỉ tính riêng các món mắm cá đồng, vốn là món truyền thống của người Khmer, nay đã là món ăn chung của các dân tộc, đã chiếm hơn một phần ba thực đơn. "Có thể kể đến mấy ngày chưa hết về cách chế biến và mùi vị đặc sắc của chúng mà thực khách sẽ không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi nào" - ông Tư Biển khẳng định chắc nịch.
Về cồn là cách mời khách đến các cù lao trải dài từ sông Hậu ra các cửa biển ở Sóc Trăng. Ngồi trên thuyền, đi trên các bãi bồi hướng ra Biển Ðông của huyện đảo Cù Lao Dung, lắng nghe câu vọng cổ thổn thức âm ba vọng về từ khơi xa, nơi các con sóng biển ngày đêm nhẫn nại cõng từng hạt cát bồi đắp để lãnh thổ quê hương nối dài thêm ra biển lớn, chúng tôi bỗng chốc hóa thành những lãng tử tầm xuân…
Tết đến, xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn chia sẻ, năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đạt 6,75%. 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14, tỉnh phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức cao. Ðến cuối năm 2021, Sóc Trăng sẽ có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt một tỷ USD và thu ngân sách nhà nước đạt hơn 3.700 tỷ đồng...
Ðể đạt được mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tăng cường nguồn lực và công tác phát triển văn hóa - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ðặc biệt, tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực, trong đó văn hóa và du lịch sẽ hình thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Mùa xuân mới lại về trên đất Sóc Trăng, nơi có đến 36% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ một vùng đất khó, thuần nông, sau 29 năm tái lập tỉnh, Sóc Trăng đã khoác lên mình chiếc áo mới. Từ phố phường đến nông thôn, những công trình kết cấu hạ tầng được phủ khắp, tạo nên bức tranh xứ sở hiện đại, văn minh hòa quyện với nét văn hóa cộng cư của ba dân tộc anh em Kinh -
Khmer - Hoa gắn bó lâu đời. Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để Sóc Trăng bước vào năm mới 2021 với tâm thế hân hoan, tự tin phát triển bền vững.