Giải mã một áng thơ kinh điển

Trong danh sách chín tác phẩm được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam trao giải thưởng VHNT xuất sắc năm 2020, tôi đặc biệt chú ý hai giải thưởng vở diễn sân khấu, đều được chuyển thể từ tác phẩm văn chương kinh điển: Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ðó là vở Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) và Kịch múa ballet Kiều (biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam).

Ballet Kiều đã tích hợp thành công môn nghệ thuật thuần phương Tây với phong cách múa dân gian phương Đông.
Ballet Kiều đã tích hợp thành công môn nghệ thuật thuần phương Tây với phong cách múa dân gian phương Đông.

Hai vở diễn này đều được phóng tác từ Kiều, có lẽ đã là một niềm an ủi nghệ thuật lớn lao cho kỷ niệm 200 năm Ngày mất của Nguyễn Du, thuở sinh thời đã từng than: Chẳng biết ba trăm năm sau nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?

1. Thử nghiệm múa rối táo bạo

Ðạo diễn Nguyễn Tiến Dũng không phải người đầu tiên chịu thách thức chuyển thể từ Truyện Kiều, là tác phẩm văn chương, chỉ tồn tại trong chữ - phi - vật - thể, vốn dành cho cái đọc, để chuyển sang hình thái vở - diễn - hữu - thể, được biểu diễn trên sân khấu, dành cho cái xem thưởng ngoạn của công chúng.

Từ hàng trăm năm nay, nhiều ngôn ngữ hữu hình đã được nghệ sĩ lựa chọn chuyển thể Truyện Kiều, như: hội họa, âm nhạc, sân khấu chèo, tuồng, cải lương, kịch, múa dân gian, hiện đại. Riêng đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng từ lâu đã nung nấu ý định dựng vở rối cạn - rối người, với kịch bản được viết từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, bất chấp sự khó diễn tả bằng ngôn ngữ múa rối, cái số phận chìm nổi long đong của nàng Kiều, đã được Nguyễn Du khắc họa thiên tài bằng thơ Nôm, thể thơ lục bát thuần Việt (dù Truyện Kiều là cử chỉ sáng tạo "Việt hóa" từ tác phẩm chữ Hán Ðoạn trường tân thanh của Thanh Tâm tài nhân, người Trung Quốc).

Lần đầu xem vở rối Thân phận nàng Kiều đêm 10-8-2019, tôi đã thấy Dũng thật chính xác khi chọn ngôn ngữ "rối - người" để dựng Kiều và tìm trúng phương pháp dàn dựng một vở rối mang tính thử nghiệm độc đáo. Và đủ tự tin đăng ký tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, tại Hà Nội vào nửa đầu tháng 10-2019.

Do đặt hàng từ lâu, vị đạo diễn ưa mạo hiểm này đã có ngay kịch bản đặc thù cho vở rối về thân phận nàng Kiều được hai tác giả hoàn tất: NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu. Từ đây, Nguyễn Tiến Dũng đã nhanh chóng hình thành một bản dựng của đạo diễn, trên hình dung căn bản về thân phận nàng Kiều, với hình tượng con rối Kiều luôn hiển thị như một tấm lụa trắng, được khởi nguồn xa thẳm từ câu ca dao Việt: Thân em như tấm lụa đào/ Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai? Và thấp thoáng trong thơ Nguyễn Bính, đầu thế kỷ trước, đã ví von cô gái quê đương thì, như "... cây lụa trắng/ mẹ già chưa bán chợ làng xa"...

Giải mã một áng thơ kinh điển -0
 

Vậy nên, Dũng đã giăng mắc, biến hình, thay mầu những dải lụa trắng bay lượn phấp phới tràn ngập không gian vở diễn. Và cũng không ngại dùng mầu đỏ bạo liệt như "rỏ máu năm đầu ngón tay", cảnh Kiều nuốt lệ chơi đàn hầu rượu Thúc Sinh và Hoạn Thư. Các dải lụa trắng còn bay lượn đớn đau trong hai đoạn đời Kiều ở lầu xanh, trong giai điệu âm nhạc day dứt vò xé của nền nhạc thương cảm, nhức nhối… từ sáng tạo âm nhạc của hai nhạc sĩ tài hoa: Nguyễn Vĩnh Tiến và Trần Ðức Minh.

Con rối nhân vật chỉ được tạo hình bằng mặt nạ, là cái mặt định hình tính cách nhân vật, không đổi từ đầu đến cuối vở! Sự phát triển tính cách nhân vật con rối hoàn toàn vận hành theo chuyển động thân thể và tiếng nói của người diễn viên nấp sau con rối… Họa sĩ Lê Ðình Nguyên đã rất thành công trong việc tạo hình con rối trong vở diễn, với những mặt nạ rối rất ấn tượng. Ðộc đáo nhất là mặt nạ Kiều, được Nguyên tạo hình trái xoan, với một bên mắt mở to kinh ngạc đau đớn, một bên mắt nhắm, rơi xuống vài giọt lệ, với sắc thái biểu cảm đối nghịch, nghiêng về màu bi kịch…

Các nhân vật rối như: Hoạn Thư, Mã Giám Sinh, mụ mối, thằng bán tơ, Sở Khanh, Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Bạc Hạnh, Bạc Bà, Giác Duyên, cho đến nhân vật phụ như cha mẹ, em trai, em gái Thúy Kiều, đều được Nguyên cho mang mặt nạ hiện hình rõ nét nhất về tính cách nhân vật, vốn được Nguyễn Du "vẽ" rất sắc bằng thơ lục bát "phi vật thể" trong Truyện Kiều. Từ chữ nghĩa phi vật thể của Truyện Kiều, thực hiện sự chỉ đạo về nghệ thuật biểu diễn rối - người của đạo diễn Dũng, họa sĩ Nguyên đã sáng chế được vài chục mặt nạ con rối trên sàn diễn Kiều, không con nào giống con nào, mỗi con rối là một tính cách - mặt nạ.

Phải nhận rằng, vở diễn này, bằng nghệ thuật rối - người, đã diễn xuất được chiều sâu tâm lý và sự đa đoan của thân phận nàng Kiều, trong một ngôn ngữ tưởng chừng xa cách và bị giới hạn so với nghệ thuật ngôn từ. Ðó chính là thành công đáng giá nhất về thử nghiệm ngôn ngữ rối - người của đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng và cộng đồng nghệ sĩ sáng tạo của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

2. "Giải mã" Kiều bằng ngôn ngữ ballet

Thật mới mẻ và ngoạn mục khi biên đạo Tuyết Minh quyết chọn ballet để dựng Kiều. Ðầy cảm thông và thương cảm số phận ba đào ghềnh thác của Kiều được Nguyễn Du miêu tả trong hơn ba nghìn câu thơ lục bát, Tuyết Minh đã quyết định "làm nét" tác phẩm bằng vũ đạo ballet, trên nền âm nhạc thật đa dạng. Ðây là ngón nghề căn bản nhất và gợi nhiều cảm xúc nhất khi miêu tả nhân vật Kiều chỉ bằng vũ đạo câm lặng, không lời, với những đòi hỏi kỹ thuật thật cao cường và nghiêm nhặt của những đôi chân và hình thể diễn viên múa ballet.

Vì vậy, Tuyết Minh chỉ chú ý đặc tả ba cuộc gặp gỡ hồn ma Ðạm Tiên và bốn lần Kiều đánh đàn với bốn tâm trạng, trong bốn hoàn cảnh khác nhau đến đối lập, giữa hạnh phúc chứa chan và nỗi tủi nhục vô bờ "bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay", trong suốt cuộc đời 15 năm lưu lạc "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần" của Kiều, để nhấn mạnh triết lý của Nguyễn Du về cuộc đời Kiều: dù gió dập mưa vùi, Kiều vẫn vươn lên như bông sen trên đầm lầy và biết chọn cho mình một ứng xử tốt đẹp nhất với Kim Trọng.

Ðấy là một khát vọng của cuộc đời đầy ngang trái, mang đậm tính bi kịch của Kiều, nhưng là một "bi kịch lạc quan", do chính sự chọn lựa thông minh, sáng suốt của Kiều "Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ". 15 năm cuộc đời Kiều đã chỉ dùng vào một việc là giữ gìn niềm tin trong khát khao về hạnh phúc, niềm hy vọng ấy xuyên suốt ba hồi, 15 cảnh của vở diễn, dẫn người xem đi qua mọi cung bậc tình cảm Kiều đã trải nghiệm, chỉ bằng duy nhất ngôn ngữ múa ballet thuần thục và điêu luyện của các nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh.

Kiều ballet đã thật thành công khi chuyển thể một áng thơ kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam sang một loại hình nghệ thuật kinh điển của châu Âu, trên tinh thần tích hợp văn hóa, khi hòa hợp ballet - môn nghệ thuật thuần phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa phương Ðông đậm bản sắc Việt.

NGUYỄN THỊ MINH THÁI