Hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng trong chuyển đổi xanh

NDO - Ngày 29/10, tại Hà Nội, Tạp chí Tiếp thị và Gia đình phối hợp Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến, có chủ đề "Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi” với sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, môi trường và đại diện các doanh nghiệp tiên phong trong chiến lược chuyển đổi xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham gia Diễn đàn "Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi".
Các đại biểu tham gia Diễn đàn "Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi".

Tọa đàm là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các bên liên quan cùng thảo luận về vai trò của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, những lợi ích mà cộng đồng và xã hội nhận được. Đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tiêu dùng xanh và kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường và phát triển bền vững, việc chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng tất yếu. Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Đặc biệt, 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về bảo vệ môi trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng trong chuyển đổi xanh ảnh 1

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm.

Những số liệu này phản ánh một sự chuyển biến mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người Việt, đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất. Do vậy, họ cần phải không chỉ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, mà còn phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao mà vẫn duy trì lợi nhuận.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi xanh của đơn vị, ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban Đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết: Không chỉ Acecook Việt Nam mà các doanh nghiệp khác cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là chi phí đầu tư. Để có thể thực hiện một số hoạt động thì chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chuyển đổi bao bì không hề nhỏ. Đây là một bài toán khó cho doanh nghiệp trong sản xuất, khi vừa phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa cung cấp sản phẩm chất lượng mà giá thành phải hợp lý.

Khó khăn tiếp theo chính là nguồn cung ứng bền vững. Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ, hay nguyên vật liệu bền vững trên thị trường còn ít, dẫn đến giá thành cho các dịch vụ và nguyên liệu khá cao, gây nhiều khó khăn dù doanh nghiệp rất muốn thực hiện chuyển đổi xanh. Acecook cũng hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những đơn vị cung cấp các giải pháp bền vững, để doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận và chuyển đổi với chi phí hợp lý.

Một yếu tố cũng rất quan trọng chính là bản thân doanh nghiệp mặc dù muốn thực hiện chuyển đổi xanh nhưng chưa được trang bị nhiều kiến thức, doanh nghiệp phải tự mày mò học hỏi, cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, vừa làm vừa đánh giá, để điều chỉnh và nâng cao hơn mỗi ngày.

Ông Phạm Trung Thành chia sẻ, mặc dù chuyển đổi xanh còn gặp không ít khó khăn nhưng cũng đem lại nhiều lợi ích khi thúc đẩy sản xuất và phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời là những lợi ích mang lại cho xã hội như bảo vệ môi trường, giảm phát thải, phía doanh nghiệp cũng được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh. Việc chuyển đổi xanh trong quy trình sản xuất và vận hành cũng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.

Một lợi ích khác là các hoạt động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp giúp tăng cường uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, tạo lòng tin, sự trung thành của khách hàng và thu hút được nhân tài, khi ngày càng nhiều người trẻ có xu hướng chọn làm việc tại các doanh nghiệp có cam kết trách nhiệm với xã hội.

Đặc biệt, việc thực hiện chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng trước những yêu cầu và biến động của thị trường, khi ngày càng nhiều quốc gia xuất khẩu có những tiêu chuẩn bền vững khắt khe hơn đối với sản phẩm. Đây cũng là cơ hội mở ra những thị trường tiềm năng, cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt chuyển đổi xanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng trong chuyển đổi xanh ảnh 2

Viện trưởng Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh trao đổi tại diễn đàn.

Đồng quan điểm nêu trên, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh cho rằng, để chuyển mình theo hướng xanh hóa, doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên tạo ra các chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm xanh. Đây không chỉ là trách nhiệm với môi trường, việc này còn giúp xây dựng thương hiệu và tăng cường lòng tin của khách hàng; sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng là chìa khóa để thúc đẩy sự chuyển mình bền vững này.

Bà Trần Thị Hồng Minh mong muốn Nhà nước, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến thuế, tín dụng, tài chính, nguồn nhân lực... để hỗ trợ cho những doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Mặt khác, cần có một khung pháp lý rõ ràng hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện các cam kết bền vững; các chương trình đào tạo, hội thảo nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Các chính sách của Nhà nước, Chính phủ được ban hành kịp thời không chỉ giúp tạo ra động lực cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng của người dân, hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Đối với các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ xanh, quy trình sản xuất bền vững để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí dài hạn thông qua việc giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực. Khi các doanh nghiệp sớm chuyển mình sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn lựa sản phẩm xanh. Việc tham gia vào xu hướng xanh không chỉ là nghĩa vụ xã hội mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế và phát triển bền vững trong tương lai.

Hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng trong chuyển đổi xanh ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An trao đổi tại diễn đàn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: Trong mục tiêu phát triển bền vững, đối với doanh nghiệp phải hỗ trợ để họ bớt lỗ ban đầu như tăng hỗ trợ nguyên liệu đầu vào. Đối với người tiêu dùng cần được hỗ trợ về giá, bởi nhiều sản phẩm xanh còn khá đắt nên chưa thu hút được tiêu dùng lựa chọn.

Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng quỹ hỗ trợ sản phẩm xanh ban đầu để hỗ trợ cho người dân về giá đối với các sản phẩm xanh, nếu không làm như vậy sản phẩm xanh được sản xuất ra khó đến được với đại đa số người tiêu dùng trên cả nước. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch truyền thông lớn, kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến, nhằm giáo dục người dân về lợi ích và sự cần thiết của tiêu dùng xanh.