Thành công bước đầu từ chương trình OCOP

Những năm gần đây, tại khu vực Đông Nam Bộ, nhiều địa phương đã tập trung phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã mang lại những hiệu quả bước đầu về kinh tế-xã hội. Các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… đang tiếp tục phát triển mô hình này.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng Đông Nam Bộ đang dẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển nông thôn mới.
Vùng Đông Nam Bộ đang dẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển nông thôn mới.

Cơ hội khởi nghiệp cho nông dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, sau gần bốn năm thực hiện chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 197 chuỗi liên kết với sự tham gia của 101 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã. Trong đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ các sản phẩm OCOP xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP của 75 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về số lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, lần đầu tiên, Đồng Nai có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao là bột ca-cao nguyên chất 3 trong 1 Bunga của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán).

Đánh giá về các sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho hay, các sản phẩm đạt sao OCOP đã chú trọng nâng cao chất lượng, có sự chuyển biến tốt trong đầu tư về mẫu mã, bao bì, nhất là có nhiều sản phẩm chế biến sâu. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP cũng minh chứng cho chất lượng thương hiệu của các làng nghề ở các địa phương. Đây là thành quả của sự phối hợp tốt giữa ngành nông nghiệp và các địa phương trong quá trình hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các chủ cơ sở tham gia chương trình.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, chương trình OCOP khi triển khai thực tế đã góp phần khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn. Đây là cơ hội khởi nghiệp cho nông dân, hợp tác xã và nhiều doanh nghiệp nhỏ đầu tư vào nông nghiệp của Đồng Nai.

Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình OCOP đã đạt được kết quả khích lệ khi có 27 sản phẩm OCOP cấp thành phố được công nhận 3 - 4 sao, một sản phẩm trình Trung ương xem xét, đánh giá đạt 5 sao. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho hay, để thực hiện hiệu quả, những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, chương trình chuyển đổi số trong sản xuất; phát triển sáu nhóm sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển các sản phẩm chứng nhận OCOP, đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học về sản xuất giống cây, con chất lượng năng suất cao, đưa thành phố trở thành trung tâm giống cây, con của khu vực.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, đến nay, tỉnh Bình Dương có 31 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có tám sản phẩm 4 sao và 39 sản phẩm 3 sao, nhiều sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận.

Thực tế, tại Bình Dương ngày càng nhiều sản phẩm đạt OCOP. Có thể kể đến sản phẩm tổ yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, đạt OCOP 3 sao năm 2021, các sản phẩm của HTX cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên), HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo)… Theo chương trình OCOP đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung phát triển 109 sản phẩm thuộc 5 nhóm sản phẩm OCOP chủ lực và tiềm năng của địa phương, gồm: Nhóm thực phẩm; nhóm đồ uống; nhóm dược liệu; nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Thành công bước đầu từ chương trình OCOP ảnh 1

Xoài là một trong những sản phẩm OCOP được ưa chuộng của các tỉnh Đông Nam Bộ.

Xây dựng những “hạt nhân”

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết, trong năm 2023, có nhiều mô hình sản xuất cây hoa kiểng, mô hình hữu cơ cần phải tập trung vào các mô hình ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số; các mô hình đạt chứng nhận OCOP; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp cho người dân đạt được hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, thành phố có chủ trương xây dựng mô hình mỗi xã một mô hình nông nghiệp tuần hoàn; đồng thời, thực hiện đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Đến năm 2025, 100% số xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đều có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP theo sáu nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương. Thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế số gắn với thị trường xuất khẩu. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.

Về hướng đi thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp phải giúp người dân giữ lại những vùng nông thôn để phát triển thông qua đề án xây dựng các huyện ngoại ô thành đô thị vệ tinh. Lấy việc phát triển các sản phẩm OCOP làm thí dụ điển hình, ông Võ Văn Hoan cho hay, chương trình OCOP từ hạt nhân là hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện ban đầu cần sự lan rộng ra khu vực chung quanh.

Về phía tỉnh Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, năm 2023, chương trình OCOP tỉnh đặt mục tiêu có thêm ít nhất 37 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Không chỉ đặt chỉ tiêu về số lượng, mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp là hỗ trợ mở rộng thị trường, độ nhận diện nhãn hiệu cho sản phẩm. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các chủ thể OCOP trong đổi mới hình thức, chất lượng, quy mô để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP.

Để sản phẩm OCOP ngày càng đi xa hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho hay, hiện các địa phương trong tỉnh chung tay cùng các chủ thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc…

Đẩy mạnh xuất khẩu

Sau khi có được thành công ban đầu, nhiều địa phương tại Đông Nam Bộ đang định hướng cho sản phẩm OCOP xuất khẩu. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, để đẩy mạnh thương hiệu OCOP tỉnh Bình Dương trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm.

Để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, Bình Dương đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, truyền thông rộng rãi cho sản phẩm OCOP. Mặt khác, chú trọng xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, các trang mạng, sàn thương mại điện tử uy tín cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Để thuận tiện cho việc quảng bá, kết nối sản phẩm, Sở Công thương đã và đang hoàn thiện nâng cấp sàn thương mại điện tử riêng của tỉnh tại website www.binhduongtrade.vn. Tin rằng với sự thúc đẩy của công nghệ số sẽ làm tiền đề gắn kết thị trường tiêu thụ không chỉ trong phạm vi lãnh thổ mà còn với các khách hàng, đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng bộ cẩm nang sản phẩm OCOP của tỉnh hoặc lồng ghép với các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư, du lịch, thương mại để giới thiệu sâu các sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu của tỉnh đến khách hàng trong ngoài nước.