Theo Sở Công thương Bình Dương, tính đến ngày 10/10, trên địa bàn tỉnh có 447 cửa hàng xăng dầu tại 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; trong đó có 123 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng do Giấy đủ điều kiện hoạt động hết hạn, 17 cửa hàng chuyển đổi công năng không còn kinh doanh xăng, dầu.
Với hơn 307 cửa hàng còn lại, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tại tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh với mức tiêu thụ xăng, dầu bình quân khoảng 1.500-2.000 m3/ngày.
Trong buổi sáng 10/10, Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã nhận được 8 phản ánh từ quản lý của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh về tình trạng của một số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu như: còn xăng, hết dầu, còn dầu hết xăng và đang chờ nhập hàng từ nhà cung ứng.
Cụ thể, cửa hàng Phụng Tân Tiến, cửa hàng Phú Mỹ ở Thủ Dầu Một; cửa hàng Quốc Nhật ở thành phố Thuận An; cửa hàng Mai Châu, cửa hàng Nhị Đồng ở thành phố Dĩ An; cửa hàng Thiên Phước ở huyện Bắc Tân Uyên có chung tình trạng hết xăng, còn dầu. Cửa hàng Thịnh Phát 2 ở huyện Dầu Tiếng còn xăng, hết dầu; cửa hàng Hoàng Nguyên 2 ở thành phố Dĩ An hết xăng, hết dầu…
Cửa hàng hết xăng, còn dầu ở phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu. |
Ghi nhận của phóng viên, ngày 10/10, một số cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương như cửa hàng Tân Vạn ở thành phố Thuận An; cửa hàng xăng dầu Lê Tấn, cửa hàng xăng dầu Sơn Hải và một số cửa hàng khác trên đường Huỳnh Văn Lũy, đường Lê Hồng Phong và một số tuyến đường khác tại thành phố Thủ Dầu Một cũng treo biển “hết xăng, còn dầu”, hoặc đóng cửa.
Một số cửa hàng tuy có bán nhưng chỉ hoạt động một vài trạm bơm. Cửa hàng xăng dầu Phúc Thịnh số 17 ở ngã ba đường Lê Hồng Phong-Huỳnh Văn Lũy, thành phố Thủ Dầu Một có bán nhưng khống chế mức bán cho xe máy là 50 nghìn đồng đồng/người. Lý giải việc bán giới hạn cho người mua, nhân viên cho biết lượng xăng cửa hàng còn ít đang chờ nhập nhưng người mua đổ về cửa hàng nhiều trong thời gian gần đây nên cùng chia sẻ!
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, nguyên nhân một số cửa hàng xăng, dầu đóng cửa là do tình hình nhập xăng, dầu từ các doanh nghiệp cung cấp xăng, dầu có phần hạn chế; một số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu nhập hàng từ doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa đáp ứng kịp thời do ngày thứ 7, chủ nhật nghỉ, nên xảy ra tình trạng cửa hàng đóng cửa tạm thời để chờ nhập hàng hoặc còn bán dầu nhưng hết xăng và ngược lại.
Cửa hàng xăng dầu ở phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một bán giới hạn xăng cho người dân. |
Bên cạnh đó, do Giấy đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng, dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đã hết hạn; do mức chiết khấu (hoa hồng) hiện nay khá thấp nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đủ chi phí để duy trì và hoạt động cho việc kinh doanh xăng, dầu tại cửa hàng…
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, việc một số cửa hàng đóng cửa nêu trên chỉ diễn ra cục bộ, về cơ bản tình hình xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Bình Dương hiện có 9 đầu mối doanh nghiệp trong tỉnh cung ứng lượng xăng, dầu chủ yếu cho các cửa hàng bán lẻ với sản lượng chiếm đến 94%; chỉ có 6% còn lại là các doanh nghiệp ngoài tỉnh cung cấp.
Qua rà soát tại các đầu mối cung cấp, xăng, dầu tại Bình Dương vẫn bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, để tránh tình găm hàng chờ giá, Sở đã phối hợp Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra nhằm ngăn ngừa, chấn chỉnh tại các cửa hàng bán lẻ.
Sở đã kiến nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp Thanh tra Sở Công thương và địa phương tăng cường kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn; đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu chiếm tỷ lệ các cửa hàng trực thuộc lớn nhất của tỉnh như Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ- CTCP, Công ty Xăng dầu Sông Bé-TNHH MTV, Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ Phúc Thịnh… nhằm nắm bắt tình hình khả năng cung cấp nguồn xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn và dự báo về tình hình nguồn dự trữ, cung cấp xăng, dầu trong thời gian tới.