Đồng Nai kiến nghị Bộ Công thương tìm nguồn cung ứng xăng dầu

NDO - Trước việc khan hiếm nguồn cung, dẫn đến hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn ngưng bán hoặc bán số lượng hạn chế, chiều 10/10, Sở Công thương Đồng Nai cho biết, trong ngày, đơn vị đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Công thương sớm có giải pháp cụ thể hỗ trợ tìm nguồn cung ứng xăng dầu.
0:00 / 0:00
0:00
Cây xăng trên đường Hà Huy Giáp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, bán với số lượng hạn chế cho khách hàng.
Cây xăng trên đường Hà Huy Giáp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, bán với số lượng hạn chế cho khách hàng.

Theo Sở Công thương Đồng Nai, đến ngày 11/10 là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo sẽ thiếu nguồn cung ứng trên thị trường tỉnh Đồng Nai. Nếu tình hình thiếu nguồn cung xăng dầu kéo dài sẽ ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đang gặp phải, Sở Công thương Đồng Nai kiến nghị Bộ Công thương sớm có giải pháp cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối trong tìm nguồn cung ứng xăng, dầu, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sở Công thương Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 thương nhân đầu mối, 7 thương nhân phân phối và 415 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động. Những ngày qua, tình hình cung ứng xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung từ các đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn. Thống kê của Sở Công thương Đồng Nai cho biết, từ ngày 5 đến ngày 9/10, có hơn 120 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thông báo hết xăng; hết xăng, còn dầu; hết cả xăng và dầu.

Về tình hình một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu Tín Nghĩa cho biết, trong chiều nay, 10/10, doanh nghiệp đã nhập về hơn 100 nghìn lít xăng để cung cấp cho các cửa hàng. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đủ để tiếp tục duy trì bán cho người tiêu dùng ở mức mỗi lượt xe máy 30 nghìn đồng và ô-tô 200 nghìn đồng.

Hiện nay, doanh nghiệp có 45 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhưng các thương nhân đầu mối bán với mức 150 nghìn lít xăng và 100 nghìn lít dầu mỗi ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ của toàn bộ công ty là 370 nghìn lít xăng và 300 nghìn lít dầu.

“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ được mua hàng từ các thương nhân đầu mối trong thời gian sớm nhất, bảo đảm nguồn cung kịp thời cho người tiêu dùng. Đồng thời, có giải pháp điều chỉnh cơ cấu tính giá xăng dầu để mức thù lao cho các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả”, ông Tùng kiến nghị.

Đối với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, những ngày qua sản lượng xăng dầu bán ra của hệ thống cửa hàng trực thuộc tăng đột biến, khiến việc bảo đảm nguồn cung gặp khó khăn.

Trước tình hình trên, doanh nghiệp đã tăng cường mua hàng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống. Theo kế hoạch, công ty sẽ nhận lô hàng 3,6 triệu lít xăng và 3,2 triệu lít dầu trong nửa đầu tháng 10 và một lô hàng 3,2 triệu lít xăng, 3,6 triệu lít dầu vào cuối tháng này.