Hạt nhân tăng trưởng kinh tế vùng Bắc Trung Bộ

Trong khu vực Bắc Trung Bộ, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều điểm tương đồng về địa lý, xã hội và nhân văn... Để khai thác tối đa lợi thế chiến lược, tạo điểm nhấn trong liên kết vùng, ba địa phương này đang tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là tập trung phát triển mạng lưới giao thông liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển của vùng, liên vùng và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công trên công trường quốc lộ 45-Nghi Sơn.
Thi công trên công trường quốc lộ 45-Nghi Sơn.

Hình thành và phát triển các khu kinh tế ven biển, nhằm thu hút nhiều dự án có tính động lực, lan tỏa được xác định là trọng điểm ưu tiên của các tỉnh, hình thành hạt nhân tăng trưởng mới cho mỗi địa phương.

Dư địa tăng trưởng mới

Sau 16 năm hình thành, Khu kinh tế Vũng Áng được đánh giá là một trong những khu kinh tế thành công trong cả nước, làm thay đổi cơ bản cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động địa phương và các tỉnh lân cận. Hiện khu kinh tế này có 153 dự án (gần 100 dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư đăng ký hơn 60 nghìn tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký hơn 15,7 tỷ USD).

Trong đó, sản xuất thép với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với công suất giai đoạn I đạt 7,5 triệu tấn/năm (dự kiến nâng lên 15 triệu tấn/năm trước năm 2030), là đầu tàu thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ. Riêng giai đoạn 2015-2020, thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế Vũng Áng đạt hơn 37.720 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng thu ngân sách của tỉnh, trong đó thu xuất nhập khẩu chiếm 97% của cả tỉnh. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương mở rộng quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh và khu vực.

Tương tự Vũng Áng, Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm được Chính phủ ưu tiên đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Đến thời điểm này, Nghi Sơn đã thu hút được gần 300 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 149.538 tỷ đồng, thực hiện đạt 70.366 tỷ đồng và 24 dự án FDI, vốn đăng ký đầu tư hơn 12,8 tỷ USD. Năm 2022, các cơ sở sản xuất trong khu kinh tế đạt tổng giá trị sản xuất, doanh thu dịch vụ hơn 251.293 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 36 nghìn lao động, thu nhập bình quân 6,7 triệu đồng/tháng, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Nghệ An, năm 2022 cũng được đánh giá là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư FDI, lần đầu lọt Top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước với tổng vốn đăng ký 945 triệu USD. Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trong tỉnh như “thỏi nam châm” thu hút đầu tư. Vốn FDI ở Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn chiếm hơn 87%, giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động, mức thu nhập bình quân đạt 7,3 triệu đồng/người/tháng,... Hơn 2 năm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhờ “thỏi nam châm” này, Nghệ An vẫn đón trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư mới.

Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp đã thu hút thành công nhiều nhà đầu tư FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ, như Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, với tổng vốn đầu tư đạt 1,23 tỷ USD, tạo nền tảng và cơ sở quan trọng để hình thành một trung tâm công nghệ, điện tử khu vực Bắc Trung Bộ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Goertek Vina, Zhang Jian Hua cho biết, công ty chuyên sản xuất các dòng sản phẩm điện tử, linh kiện thiết bị mạng có hàm lượng trí tuệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời thúc đẩy nhanh ngành công nghiệp sạch cho địa phương và khu vực. Công ty vừa quyết định tăng vốn thêm 400 triệu USD vì nhận thấy môi trường đầu tư khá thuận lợi, mong muốn xây dựng khu sản xuất ngoài nước lớn nhất tại Việt Nam.

Nhiều cách thu hút đầu tư

Nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quán triệt phương châm: “Doanh nghiệp thành công, Thanh Hóa phát triển”, thực hiện “2 đồng hành, 3 cam kết” với các nhà đầu tư. Mới đây, tỉnh đã quyết nghị bố trí 11 nghìn tỷ đồng tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng 3 khu công nghiệp trọng điểm nhằm tạo mặt bằng sạch sẵn sàng thu hút đầu tư; tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phương tiện vận tải biển, thúc đẩy vận tải hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn.

Các hãng tàu mở tuyến vận tải container quốc tế có phương tiện xếp dỡ hàng hóa tại cảng Nghi Sơn được hỗ trợ 500 triệu đồng/chuyến; các hãng tàu vận tải biển nội địa vận chuyển hàng hóa hoặc bốc xếp hàng hóa tại cảng Nghi Sơn và trung chuyển đi hoặc đến các cảng vận chuyển container đi quốc tế được hỗ trợ 300 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ,…

Tín hiệu vui dịp cuối năm 2022 vừa qua, cảng Nghi Sơn đón chuyến tàu đầu tiên của Công ty vận tải biển VIMC mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn và ngày 13/1/2023 hãng tàu CMA-CGM đã mở tuyến vận tải qua cảng Nghi Sơn sau hơn một năm dừng hoạt động. Một số hãng tàu cũng đang có kế hoạch mở tuyến vận tải container qua cảng Nghi Sơn, hứa hẹn trong năm 2023 hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động, nhộn nhịp, thúc đẩy sản xuất và dịch vụ logistics.

GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, Thanh Hóa nên thu hút các dự án đầu tư không ảnh hưởng xấu đến môi trường và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, dịch vụ hiện đại. “Với sự thay đổi nhanh chóng như hiện nay, việc thu hút dòng vốn đầu tư theo xu hướng công nghệ số cũng cần được đặc biệt quan tâm”, GS, TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Trên phạm vi cả nước có 54 vịnh ven bờ, chỉ riêng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung chiếm khoảng 80% cho nên được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển theo mô hình cảng-đô thị ven biển và khu công nghiệp. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ để tạo dư địa mới thu hút nhà đầu tư. Đó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, ngoài quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, chính quyền cơ sở và sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trọng điểm liên quan đến mở rộng các khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2,…

Đồng thời, tỉnh sẵn sàng về nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu lao động qua đào tạo, có tay nghề cho các nhà đầu tư. “Nghệ An thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phối hợp các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An đến với các nhà đầu tư. Kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của các nhà đầu tư, củng cố niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư đến với Nghệ An và lan tỏa, tác động tích cực tới nhà đầu tư mới”, ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song dư địa phát triển của các khu kinh tế biển trên địa bàn còn rất lớn. Để các khu kinh tế biển vùng Bắc Trung Bộ thật sự trở thành hạt nhân tăng trưởng kinh tế cho các địa phương, vùng và tạo điểm nhấn trong phát triển, nhất là để tương xứng tiềm năng đúng theo định hướng Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, lãnh đạo các tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư cho các tỉnh, các khu kinh tế trọng điểm có khả năng dẫn dắt, hỗ trợ, cung ứng chuỗi sản phẩm cho các địa phương khác trong vùng; cho phép tăng nguồn vốn đầu tư công để đầu tư hạ tầng chiến lược, hạ tầng khu kinh tế ven biển, các tuyến giao thông kết nối nội vùng và liên vùng; xem xét, xây dựng cơ chế điều phối, quản trị vùng; nghiên cứu hình thành không gian phát triển các “cụm vùng”, “tiểu vùng”, mô hình quản lý các khu kinh tế; nghiên cứu các chính sách cạnh tranh quốc tế cho khu kinh tế ven biển, khu kinh tế biên giới Việt-Lào, trung tâm logistics để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư,…