Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo, có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An; đại diện Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Nghệ An...
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, là nền tảng vững chắc, mở ra nhiều cơ hội, tạo đà để tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía bắc vào năm 2015 và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt.
Nghệ An vẫn chưa khẳng định thật rõ nét vai trò là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao, tài chính, công nghiệp công nghệ cao theo định hướng của Nghị quyết số 26.
Những kết quả mà Nghệ An đạt được trong nhiều lĩnh vực tuy rất đáng trân trọng nhưng mới chỉ là bước đầu, còn rất khiêm tốn, vẫn còn thấp so nhiều tỉnh có cùng điểm xuất phát. Tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhiều vấn đề, chưa có giải pháp hay, hữu hiệu để tháo gỡ trong quá trình phát triển.
Hội thảo nhằm nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, đề xuất những chủ trương, định hướng và giải pháp phát triển Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía bắc, đến năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước, xác định tầm nhìn phát triển đến năm 2045, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Các tham luận và phát biểu tại trực tiếp tại hội thảo đã phân tích làm sâu sắc hơn một số kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nghệ An thời gian qua; làm rõ hơn những hạn chế, bất cập; chỉ ra các nguyên nhân cản trở phát triển tỉnh...
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp như ban hành và điều chỉnh các cơ chế, chính sách (hỗ trợ, ưu đãi) và bổ sung nguồn lực thông qua các Chương trình, dự án để khai thông các nguồn nội lực của tỉnh, tích hợp được các tiềm năng chung của vùng; tăng cường nhận thức và quyết tâm hành động để tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
Những cơ hội và thách thức đối với Nghệ An trong thời gian tới được xác định là dân số đông, điều kiện tự nhiên khó khăn; quy mô kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp... Nhiều đại biểu đề nghị tỉnh phải có các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các thời cơ, thuận lợi và chuyển hóa các khó khăn thách thức thành cơ hội.
Một số đại biểu đề xuất giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh như: phát triển nhanh các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái, ứng dụng các quy trình, công nghệ mới, thông minh, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên; chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với các vùng dược liệu...
Bên cạnh đó, một số đại biểu kiến nghị tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy cao hơn nữa tiềm năng con người để phục vụ cho các mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời thống nhất với hội thảo việc phát triển tỉnh Nghệ An phải được đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Chiến lược, quy hoạch Nghệ An phải phù hợp với các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết 26-NQ/TW vừa được ban hành và đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.