Đầu tư hạ tầng giao thông vùng cát ven biển Bắc Trung Bộ

Vùng cát ven biển Bắc Trung Bộ, nhất là ở các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế chiếm khoảng 6% tổng diện tích tự nhiên của khu vực. Mặc dù chịu sự tác động lớn của thời tiết khắc nghiệt song những năm gần đây, các địa phương đã tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông để khai thác tiềm năng vùng cát phục vụ phát triển kinh tế và du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu sông Dinh thuộc Dự án đường ven biển tỉnh Quảng Bình đang được gấp rút thi công.
Cầu sông Dinh thuộc Dự án đường ven biển tỉnh Quảng Bình đang được gấp rút thi công.

Các tỉnh đã đầu tư dự án đường ven biển để tăng tính kết nối đến các cảng biển, khu kinh tế miền trung theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân tại các xã ven biển bãi ngang.

Khai mở tiềm năng vùng cát ven biển

Dải cát ven biển Quảng Bình kéo dài từ chân Ðèo Ngang, huyện Quảng Trạch đến Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy với chiều dài 116km, đi qua 18 xã, phường. Trước năm 1995, phần lớn dân cư sống bên triền cát trắng ven biển Quảng Bình không mấy ai biết đi xe đạp vì không có đường để đi. Phương tiện duy nhất giúp họ vượt qua những đồi cát trắng là đôi chân đi dép tông vục sâu trong cát.

Trăn trở trước thực trạng ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình quyết tâm mở đường ra vùng cát. Hơn 10 năm nay, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng cát ven biển để thu hẹp dần khoảng cách giữa các xã vùng cát ven biển với các thị trấn huyện lỵ. Năm 2005, cầu Nhật Lệ 1 được khánh thành nối trung tâm thành phố Đồng Hới với bán đảo Bảo Ninh. Tiếp đó năm 2017, cầu Nhật Lệ 2 cũng được khánh thành. Đúng như kỳ vọng, kể từ khi hai chiếc cầu bắc qua sông Nhật Lệ, bán đảo cát Bảo Ninh trở thành hạt nhân, động lực trong phát triển du lịch, dịch vụ không chỉ thành phố Đồng Hới mà cả tỉnh Quảng Bình.

Hơn 10 năm nay, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng vùng cát ven biển để thu hẹp dần khoảng cách giữa các xã vùng cát ven biển với các thị trấn huyện lỵ.

Tương tự, các đô thị ven biển của tỉnh Quảng Trị là thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) và thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) thực sự đổi thay từng ngày là nhờ hệ thống giao thông. Km 0 của quốc lộ 9 - xuyên Á lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo xuất phát từ trung tâm Cửa Việt; điểm đầu của quốc lộ 9D ra thị trấn Cửa Tùng cũng xuất phát từ đây càng tạo thêm lợi thế cho thị trấn ven biển. Quá trình phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở du lịch làm cho giá trị kinh tế khu vực cửa biển này tăng từng ngày.

Hiện, khu nghỉ dưỡng có vốn đầu tư hơn 4.470 tỷ đồng, quy mô hơn 21ha đang được Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đầu tư xây dựng. Từ khi cầu Cửa Tùng được đưa vào sử dụng, việc đi lại và thông thương ở vùng ven biển phía bắc Quảng Trị thuận lợi hơn. Người dân không phải vất vả gánh gồng hải sản qua các đồi cát đến trung tâm huyện để bán. Mặt khác, tiềm năng của thị trấn du lịch này cũng được khai mở để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, dịch vụ.

Khác biệt và cũng là nét đặc sắc của Thừa Thiên Huế là vùng đất ven biển, chạy dọc theo vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Tuy nhiên, sự cách sông trở thuyền này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân hai bên đầm phá. Từ bên này sang bên kia, người dân phải sử dụng thuyền vượt cửa biển hoặc qua phá Tam Giang. Từ năm 2000, nhiều cây cầu vượt phá Tam Giang và vượt biển tại Thừa Thiên Huế được xây dựng mang tính lịch sử đã giúp cho người dân vơi bớt nhọc nhằn trong hành trình kết nối trung tâm thành phố Huế với các vùng dân cư ven biển.

Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông vùng cát. Các trục đường ven biển và cầu vượt biển, qua phá đã tạo thành cung đường có cảnh quan đẹp, trong đó có đầm phá Tam Giang-Cầu Hai với vẻ đẹp độc đáo nhất Đông Nam Á. Hiếm có nơi nào vừa có thể cùng lúc thưởng thức đặc sản biển lại có hương vị thơm ngon của con cá, con tôm vùng đầm phá nước lợ tuyệt vời như nơi đây. Nhờ sự kết nối của hệ thống giao thông, vùng cát Thừa Thiên Huế đã có nhiều dự án du lịch, thu hút đông đảo du khách.

Xét về tổng thể, vùng cát ven biển của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn thiếu một tuyến đường chiến lược chạy xuyên vùng.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, vùng cát ven biển của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn thiếu một tuyến đường chiến lược chạy xuyên vùng. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, các tỉnh mới đầu tư một số tuyến đường ngang nối từ quốc lộ 1A, trung tâm các huyện lỵ ra vùng cát hoặc một số cây cầu, đoạn đường ở từng nội vùng. Tuyến giao thông liên vùng cát, kết nối các đô thị trung tâm của từng tỉnh với hai phía bắc-nam chưa có cho nên giao thương vẫn còn cách trở.

Hình thành tuyến đường ven biển liên vùng

Nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh Bắc Trung Bộ nhiệm kỳ 2020-2025 cùng xác định, tiếp tục tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Trong đó, các tỉnh đều quyết định ưu tiên nguồn lực đầu tư dự án tuyến đường ven biển để làm động lực cho vùng cát.

Tại Tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới” tổ chức đầu tháng 8/2022, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, cùng với các tuyến giao thông bắc-nam khác, các địa phương Bắc Trung Bộ đầu tư tuyến đường ven biển liên vùng là hết sức cần thiết để phát triển khu vực phía đông với các lợi thế như: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác hải sản. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, đường ven biển là dự án trọng điểm, được ưu tiên của tỉnh.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng đi qua 6 trong tổng số 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh sẽ góp phần tích cực, tạo động lực trong thu hút đầu tư, phát huy các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế-xã hội tại địa phương. Không những vậy, dự án khi hoàn thành sẽ kết nối tốt hơn với vùng nam Hà Tĩnh-bắc Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, nhất là phát huy lợi thế của cụm cảng nước sâu Vũng Áng, Hòn La.

Cùng với các tuyến giao thông bắc-nam khác, các địa phương Bắc Trung Bộ đầu tư tuyến đường ven biển liên vùng là hết sức cần thiết để phát triển khu vực phía đông với các lợi thế như: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác hải sản.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình Phạm Văn Năm, dự án trọng điểm này chia thành hai dự án thành phần là đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Riêng dự án đường ven biển được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều dài 85km, rộng 12m, có 23 cầu các loại. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.200 tỷ đồng. Đầu năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã triển khai dự án, hiện các nhà thầu đang tập trung thi công các cầu ở cửa sông và vùng xung yếu thường xuyên xảy ra nạn cát nhảy, cát chảy.

Phác thảo “bức tranh” hạ tầng giao thông ven biển Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, từ năm 2019, tỉnh đưa vào sử dụng đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị dài hơn 23,5km. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, có tính kết nối cao để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại khu kinh tế và các dự án kinh tế trọng điểm đang được tỉnh triển khai.

Mới đây, tỉnh Quảng Trị khởi công dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông tây, giai đoạn 1 dài 55km, bắt đầu từ xã biển Vĩnh Thái (giáp tỉnh Quảng Bình) đến thành phố Đông Hà, nối vào trục giao thông hành lang kinh tế đông tây-quốc lộ 9. Dự án có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ 2022 đến 2025. Vùng cát ven biển Quảng Trị còn có một dự án quan trọng nữa đang được triển khai là nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ Ngã Tư Sòng về cảng Cửa Việt dài hơn 13km.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng dự án đường bộ ven biển dài 127km nối huyện Phong Điền, tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị đến huyện Phú Lộc với số vốn 3.496 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng. Riêng cầu mới xây dựng vượt qua cửa biển Thuận An dài 2,3km, rộng 20m với kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Ông Trần Văn Phong, 60 tuổi ở xã Hải Dương, thành phố Huế chia sẻ: “Người dân nơi đây mong chờ dự án này rất lâu, đặc biệt là cây cầu qua cửa biển Thuận An. Do không có cầu cho nên việc đi lại của người dân địa phương đến trung tâm thành phố Huế rất khó khăn”.

Phó Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cường cho biết, sau gần 9 tháng khởi công, công trình cầu vượt biển Thuận An đang được các nhà thầu tích cực thi công hệ thống cọc khoan nhồi, thân trụ, bệ trụ, đúc dầm. Dù thời tiết không thuận lợi nhưng các đơn vị nỗ lực làm việc khẩn trương để bảo đảm tiến độ. Khó khăn lớn nhất trên công trường là trời liên tục mưa dầm, khu vực cửa biển thường xuyên có sóng lớn nên công tác thi công trên sà-lan gặp khó khăn. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng của dự án cũng gặp nhiều trở ngại cần sớm tháo gỡ.

Lãnh đạo các tỉnh bắc miền trung có chung nhận định, tuyến đường ven biển không chỉ giúp kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền của từng địa phương, bảo đảm an ninh-quốc phòng và phòng, chống thiên tai, giải quyết ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ tại địa bàn mà còn tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng, là cơ sở phát triển các khu đô thị ven biển của các tỉnh. Điều đó sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo các địa phương trong những năm tới.