Trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhất là khí hậu, thời tiết, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An đã có nhiều nỗ lực hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao; cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng (GRDP) ước đạt 4,78%, trong khi con số này của cả nước là dưới 3,0%.
Cây khoai tây trở thành cây trồng chủ lực vụ đông ở nhiều xã của huyện Diễn Châu |
Tổng sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 1.209 nghìn tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 282 nghìn tấn, tăng 4,44% so với năm 2021; sản lượng sữa tươi đạt 285 triệu lít, tăng 14% so với năm 2021; khai thác gỗ đạt hơn 1,628 triệu m3, tăng 8,38% so với năm 2021; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt hơn 270 nghìn tấn...
Phong trào xây dựng nông thôn mới thật sự trở thành phong trào rộng khắp; trong năm 2022, có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 22/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Lũy kế đến cuối năm 2022 ước có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75,18%; 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; sáu xã nông thôn mới kiểu mẫu và chín đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có đóng góp rất lớn vào ổn định đời sống cho gần 84,5% dân số sống ở nông thôn.
Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, hình thành các mô hình liên kết chặt chẽ; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.