Hành trình
hạt gạo Việt Nam

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.

Trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Năm 1986, với những chính sách đổi mới về phát triển kinh tế đất nước nói chung, trong đó có triển khai những chính sách quan trọng phát triển nông nghiệp nên sản xuất lúa gạo của Việt Nam phát triển nhanh chóng, tăng cả về sản lượng và năng suất. Đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu. Trải qua hơn 30 năm xuất khẩu gạo, đến nay, gạo Việt Nam có mặt ở hơn 150 nước, vùng lãnh thổ.

Ông Nguyễn Văn Sánh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long nhận định: Trước năm 1989, Việt Nam liên tục phải nhập khẩu gạo vì sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Còn ngược về trước đó nhiều năm thì việc thiếu lương thực còn trầm trọng hơn. Chính vì vậy, năm 1989, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo đã đánh dấu một “cột mốc” đáng nhớ cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa là Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu gạo tiêu thụ trong nước, nhân dân đủ gạo ăn, mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt giao thương hàng hoá quốc tế. Sau năm 1986, lúa gạo là một trong những ngành hàng đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế khác trong việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Điều này vừa mang lại ngoại tệ cho quốc gia, vừa góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị hạt lúa, hạt gạo Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sản xuất lúa trên cả nước. Đây cũng là cơ sở, là tiền đề cho việc phát triển thâm canh trồng lúa, năng suất, sản lượng lúa liên tiếp tăng theo từng năm, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và không ngừng tăng trưởng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong các năm tiếp theo.

Hiện nay, trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo cũng được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với mục tiêu đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; nâng cao thu nhập cho nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo đạt chất lượng và giá trị cao.

Thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang.

Thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang.

Những năm qua, diện tích cấy lúa trên cả nước giảm dần, nhưng nhờ có sự tăng nhanh trong sử dụng giống lúa xác nhận kèm quy trình canh tác đa dạng, thích nghi với điều kiện thời tiết nên cho năng suất cao ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường; tăng tỷ trọng các loại gạo có chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam có giống gạo thơm đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới là gạo ST25.

Gạo mang thương hiệu Cơm Việt Nam Rice lên kệ tại hệ thống đại siêu thị Carrefour tại Pháp.

Gạo mang thương hiệu Cơm Việt Nam Rice lên kệ tại hệ thống đại siêu thị Carrefour tại Pháp.

Diện tích, sản lượng lúa giai đoạn 2001-2020. (Nguồn: Cục Trồng trọt)

Diện tích, sản lượng lúa giai đoạn 2001-2020. (Nguồn: Cục Trồng trọt)

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất lúa liện tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao, năm 2020 đạt hơn 74% (năm 2015 con số này là 50%); Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm hơn 85% gạo xuất khẩu. Năm 2021, sản lượng lúa tăng 1,1 triệu tấn so năm 2020, tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Xuất khẩu gạo năm 2021 đạt 6,2 triệu tấn, kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 5% so năm 2020, trong đó tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm hơn 89%.

Năng suất lúa qua các năm giai đoạn 2001-2020. (Nguồn: Cục Trồng trọt)

Năng suất lúa qua các năm giai đoạn 2001-2020. (Nguồn: Cục Trồng trọt)

Những thành quả đó bắt nguồn từ việc ngành lúa gạo đã có chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng thực hiện quy trình sản xuất lúa tiên tiến được ứng dụng hiệu quả ở nhiều địa phương. Đồng thời, các địa phương cũng triển khai các đề án quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), đề án liên quan tới các biện pháp sinh học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp để hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó tạo ra lượng lúa gạo chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu chất lượng cao.

Ngày xuất bản: 27/10/2022
Chỉ đạo thực hiện: Hà Quốc Việt
Nội dung: Ánh Tuyết
Trình bày: Ngô Hương