“Sứ mệnh” cây lúa Việt Nam trong thời kỳ mới

NDO - Người nông dân và cây lúa Việt Nam đang đứng trước thách thức phát triển theo hướng nào để đến đích giàu có theo Nghị quyết 120/NQ-CP?
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa ST25 tại Sóc Trăng.
Thu hoạch lúa ST25 tại Sóc Trăng.

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời vào cuối năm 2017 đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử nông nghiệp Việt Nam, mở đường cho mọi thành phần trong xã hội Việt Nam thực hiện câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.

Bác Hồ đã viết câu này trong lá thư gửi điền chủ nông gia từ ngày 11/4/1946. Bây giờ, với Nghị quyết 120, một ít nông dân đã chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng những sản phẩm không phải lúa, nhưng vì tự phát, mạnh ai nấy bỏ tiền ra đầu tư, đồng ruộng manh mún nên hiệu quả chưa cao. Người nông dân và cây lúa Việt Nam đang đứng trước thách thức phát triển theo hướng nào để đến đích giàu có theo Nghị quyết 120/NQ-CP?

Cây lúa Việt Nam vừa phải làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu.

Từ khi chiến tranh chấm dứt, cây lúa Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ an ninh lương thực và an sinh xã hội. Cây lúa đã mang về danh tiếng cho Việt Nam, một đất nước nhỏ nhưng đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nhưng cây lúa lại chưa mang về sự giàu có cho chính bản thân người nông dân sản xuất lúa. Vừa qua, Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, để tăng thu nhập một cách ổn định và bền vững cho nông dân vùng trồng lúa lớn nhất này của nước ta, cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiện đại theo cơ chế thị trường, bền vững, thích ứng, thuận tự nhiên. Như vậy, cây lúa Việt Nam vừa phải làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu.

Về nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh lương thực, trong điều kiện biến đổi khí hậu không lường, tại các vùng có đầy đủ nước ngọt suốt cả năm của đồng bằng sông Cửu Long, như vùng đất tiếp giáp với ranh giới Campuchia, và một phần phía bắc của vùng giữa đồng bằng sông Cửu Long, là nơi có nước ngọt đầy đủ và không bao giờ bị xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quy hoạch sản xuất lúa 2- 3 vụ/năm với giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, theo quy trình hữu cơ với phân sinh học có pha ít phân khoáng. Một số vùng đồng bằng thung lũng miền trung và Tây Nguyên có hệ thống thủy lợi sẽ tiếp tục sản xuất 2 vụ lúa theo quy trình hữu cơ như trên.

“Sứ mệnh” cây lúa Việt Nam trong thời kỳ mới ảnh 1

Thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang.

Về nhiệm vụ kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu: Trước hết, phần phía nam của vùng giữa đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang trồng rất nhiều diện tích lúa 3 vụ/năm với hiệu quả thấp, vừa tiêu tốn nước ngọt của vùng an ninh lương thực phía trên, cần được chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để vừa tiết kiệm nước ngọt trong mùa nắng, vừa tích trữ nước lũ dư thừa trong mùa mưa.

Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp vùng này sẽ xóa một số vùng 3-lúa để tạo nên những vùng sản xuất cây màu cao cấp, những trang trại rộng lớn trồng cây ăn trái (xoài, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, bơ, khóm, chanh…) rộng hàng nghìn ha, hoặc những trang trại 2-lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh.

Nhà nước sẽ dùng đầu tư công để sửa chữa lại, hoặc xây dựng mới những khu bao đê đào mương lên liếp cho các hợp tác xã mới thành lập làm chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến hàng thương hiệu có đầu ra vững chắc.

Với cách chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng toàn diện như vậy, người nông dân chắc chắn sẽ đạt lợi tức cao gấp nhiều lần trồng lúa, sẽ có tích lũy để làm giàu (tùy theo cây trồng và vật nuôi trong hệ thống mương liếp).

Đối với vùng ven biển của đồng bằng sông Cửu Long, nơi hàng năm đều bị nước mặn tràn bờ trong mùa nắng, chúng ta có thể tạo điều kiện cho nông dân trồng lúa ngắn ngày chất lượng cao trong mùa mưa, và lúa sẽ được thu hoạch khi mùa mưa chấm dứt. Sau đó khi đất ruộng còn ướt, nông dân để cho nước mặn tràn lên ruộng để chuẩn bị thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm trong mùa nắng. Nông dân có thể thu lợi tức cao gấp 4 lần lúa nếu làm đúng quy trình lúa (trong mùa mưa) - tôm (trong mùa nắng).

Còn tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, nông dân có thể làm giàu nếu được tổ chức cho chuyển đất lúa sang trồng vải thiều, nhãn lồng… trong chuỗi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp có hợp đồng chặt chẽ. Thậm chí nếu ta có doanh nghiệp tài giỏi, tìm khách hàng các nước Bắc Mỹ, Bắc Âu, hoặc Trung Đông mua khoai tây thì sẽ rất may mắn cho nông dân trồng vụ đông ở đồng bằng sông Hồng vì khoai tây của vụ đông được thu hoạch vào tháng 2-3 đúng vào lúc khoai tây tươi của các nước ôn đới vừa được tiêu thụ hết.

Với quyết tâm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, có định hướng của Nhà nước kèm theo ngân sách đầu tư công để tạo cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; xác định rõ sứ mệnh của cây lúa Việt Nam trong thời kỳ mới; phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ quy hoạch đến tổ chức sản xuất và phân phối đến tận khách hàng trong và ngoài nước, chắc chắn nông dân ta sẽ giàu, đất nước ta cũng sẽ giàu.