Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân”

Những ngày đầu xuân, khách đi tàu từ ga Hà Nội và những người yêu hội họa có dịp tham quan triển lãm các sáng tác Rừng xòe 7 “Chuyến tàu xuân”. Nhiều tác phẩm được sáng tác “di động” trên chuyến tàu xuyên đêm giao thừa Tết Ất Tỵ.
0:00 / 0:00
0:00
Các tác phẩm trưng bày tại Ga Sài Gòn.
Các tác phẩm trưng bày tại Ga Sài Gòn.

Lần đầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ra mắt “Chuyến tàu xuân” chạy xuyên đêm giao thừa, cũng như các hành khách ưa du lịch, các họa sĩ rất hào hứng.

Chị Trần Triệu Tuyết, Trưởng nhóm Rừng Xòe cho biết, ý tưởng sáng tác trên tàu dọc theo chiều dài đất nước được nhóm họa sĩ nhiệt liệt hưởng ứng, đồng hành. Ngày Tết, nhất là đêm giao thừa, ai cũng muốn sum họp bên gia đình nhưng tình yêu hội họa và mong muốn trải nghiệm mới mẻ và sáng tạo đã thôi thúc các họa sĩ lên đường. Dù bận rộn, họ tất bật sắp xếp việc nhà ổn thỏa để không bỏ lỡ cơ hội có một không hai.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 1
Họa sĩ người Anh John Lester sáng tác trên Chuyến tàu xuân.

Cả tiếng trước khi “Chuyến tàu xuân” khởi hành tại ga Hà Nội, 8 họa sĩ đã lên toa cộng đồng vẽ hăng say. Dịp Tết mọi người luôn hướng về quê hương, nguồn cội, chuyến tàu đêm giao thừa đưa những người xa nhà về quê đoàn viên đón Tết muộn, du xuân đầu năm mới, khám phá vẻ đẹp quê hương.

Đề tài mở, không chỉ bó hẹp về nhà ga, đoàn tàu, hành khách mà cả tình thân, tình yêu quê hương đất nước. Suốt hành trình đoàn tàu chạy qua những miền quê tươi đẹp, phong cảnh non xanh nước biếc hữu tình, cây cỏ tươi tốt, cánh đồng lúa bát ngát, những khuôn mặt hồ hởi đón năm mới gợi nhiều cảm hứng sáng tạo.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 2
Họa sĩ Trần Hồ Lam vẽ tranh.

Sáng tác trong trạng thái động khác hẳn trạng thái tĩnh như thường lệ, mang lại cảm giác thú vị, mới lạ. Thời khắc giao thừa, đoàn tàu chạy qua thành phố Ninh Bình vào ban đêm, hai bên pháo hoa bắn rợp trời, nhìn từ xa càng lung linh huyền ảo, mọi người ai cũng ngó xem, tận hưởng giây phút lần đầu được trải nghiệm rất khác biệt, thú vị. Rung động trước khoảnh khắc ấn tượng ấy, họa sĩ Phan Minh Bạch vẽ khai xuân bức tranh Đêm giao thừa.

“Cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, những vùng đất chuyển mình tạo ấn tượng mạnh về thị giác, trong lòng trào dâng niềm xúc động, tự hào. Vẽ ở không gian rộng, họa sĩ thoải mái đi lại đứng xa, đến gần ngắm nghía, chỉnh sửa tranh kỹ lưỡng, trong không gian bó hẹp ở toa cộng đồng đông người, đòi hỏi cảm nhận trực quan, hình thành ý tưởng trong đầu là đặt bút, đưa nét vẽ trên toan”, họa sĩ Minh Bạch chia sẻ.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 3
Tác phẩm Đêm giao thừa của họa sĩ Phan Minh Bạch.

Nếu như vẽ tranh tại studio, ngoại cảnh trong trạng thái tĩnh, tay đưa nét vẽ chuẩn xác theo ý muốn, trong điều kiện tàu chạy rung lắc, điều chỉnh cọ khó hơn nhiều. Không ít họa sĩ phải mất vài tiếng sau mới dần bắt quen. Sáng tác được tác phẩm ưng ý đòi hỏi độ tập trung rất cao. Đặc biệt là vẽ chân dung, thủ pháp khó nhất là điểm nhãn, nên các họa sĩ thường tranh thủ lúc tàu chạy êm nhất thực hiện thao tác khẩn trương, dứt khoát.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 4
Họa sĩ Nguyễn Nam Đồng vẽ tranh tặng hành khách Aikiko người Nhật.

Thông thường họa sĩ một mình vẽ tranh, dự các trại sáng tác cả tuần hay nửa tháng cũng chỉ vẽ vài bức, khi cùng tụ hội vẽ trên tàu, ngọn lửa đam mê càng được kích hoạt, lan tỏa mạnh mẽ. Gắn bó với hội họa hơn 30 năm, tràn đầy năng lượng, họa sĩ Nguyễn Nam Đồng đã vẽ hàng chục bức tranh trong hành trình sáng tác đầu xuân.

Anh hào hứng chia sẻ về bức ký họa tặng một hành khách người Nhật tên Aikiko đi trên tàu về quê chồng ở Huế đón Tết đúng thời khắc giao thừa và tranh mâm ngũ quả ngày Tết. Trực tiếp trò chuyện với hành khách, thấu hiểu được câu chuyện của họ và chứng kiến những nét mặt vui tươi, ngập tràn hạnh phúc tạo nhiều hứng khởi. Chỉ sau vài phút tương tác, nắm bắt được thần thái, các ký họa đã hoàn thành. Với hành khách, đó là món quà quý, ấn tượng đặc biệt, mang đến nhiều may mắn trong hành trình đầu năm mới.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 5
Tranh của họa sĩ Lương Lưu Biên.

Một số họa sĩ cho biết đặc thù vẽ trên tàu khó có thể cầu kỳ, lớp lang, không có nhiều thời gian trau chuốt kỹ từng chi tiết để có sản phẩm hoàn mỹ nhất, nhưng sau chuyến thực tế sáng tác này lại có thêm kinh nghiệm kiểm soát nét bút thích nghi với từng hoàn cảnh, nét vẽ trở nên mạnh mẽ, quyết đoán hơn.

Tranh sáng tác được trưng bày triển lãm tại ga Hà Nội ngay mùng 6 Tết, tiến độ thúc ép cũng tạo thêm động lực thúc đẩy các họa sĩ tập trung cao độ. Năm Tỵ, nhiều họa sĩ chọn vẽ rắn cách điệu, tựa đoàn tàu uốn lượn qua khúc cua hay con đèo.

Bên bức tranh vẽ rắn - linh vật của năm Ất Tỵ, họa sĩ người Anh John Lester phấn khích chia sẻ vừa đón Tết Việt vừa vẽ trên tàu là kỷ niệm đáng nhớ. Họa sĩ Trần Hồ Lam trải lòng, chuyến tàu kết nối người với người, con người giao hòa với cảnh vật đất trời, không gian tràn ngập sắc xuân mang lại trải nghiệm khó quên.

Ngoài tác phẩm “xuân ba miền” lấy đề tài kết nối bắc trung nam là cảm hứng chủ đạo, bức tranh 2 họa sĩ ngồi đối thoại cũng gợi nhiều ngẫm ngợi, cuốn hút người thưởng lãm.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 6
Họa sĩ Ngô Thùy Duyên vẽ tranh tại ga Sài Gòn.

Đưa nghệ thuật, hội họa gần hơn với đời sống, nhất là trong thời khắc giao thừa chuyển giao sang năm mới thiêng liêng là hoạt động văn hóa độc đáo, giàu ý nghĩa.

Và tiếp thêm động lực sáng tác không thể thiếu những khán giả là hành khách trên tàu. Không chỉ say sưa ngắm tranh, nhiều hành khách thích thú hăng hái tham gia. Không khí trại sáng tác di động càng sôi nổi.

Bức tranh màu sắc vui tươi, nét vẽ tinh nghịch nhưng vẫn đậm chất nghệ thuật của một “họa sĩ nhí” người nước ngoài đi tàu khiến mọi người trầm trồ khen ngợi.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 7
Các họa sĩ sáng tác tại ga Sài Gòn.

Sau hơn 32 giờ trên tàu, sáng mùng hai Tết tàu đến ga Sài Gòn, nhóm Rừng xòe quên hết mệt mỏi, cùng các họa sĩ miền nam miệt mài vẽ đến tận đêm khuya. Ngay tại ga, mỗi người một góc, thả hồn theo từng nét vẽ. Vợ chồng họa sĩ Nguyễn Tấn Cương ban đầu ghé qua giao lưu, một lúc sau trở về nhà lấy cọ, hòa chung không khí sáng tác hăng say, họa sĩ Ngô Thùy Duyên bên giá vẽ đứng giữa đường ke trút hết đam mê.

Theo họa sĩ Lương Lưu Biên, những chuyến tàu gắn với tình cảm quê hương, gia đình, thân thuộc với đời sống hằng ngày, gợi nhiều hoài niệm; tranh vẽ về đề tài giao thông trưng bày ở bến tàu, nhà ga, sân bay khá phổ biến ở nhiều nước nhưng ở nước ta còn khá mới mẻ. Tâm huyết ủng hộ nghệ thuật cộng đồng và hoạt động của các họa sĩ trẻ, anh vẽ khai xuân ngay tại ga.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 8
Tặng tranh ký họa tại triển lãm Chuyến tàu xuân.

Cảm xúc thăng hoa, vẽ nhiều và nhanh, các họa sĩ đã hoàn thành hơn 70 tác phẩm sáng tác trên chuyến tàu xuân và tại ga Sài Gòn. Những bức ký họa cảm tác trên chuyến tàu trở về Hà Nội cũng được treo khắp khoang tàu, lưu dấu một hành trình sáng tác không thể nào quên.

Hành trình sáng tác trên “Chuyến tàu xuân” ảnh 9
Các họa sĩ tham gia triển lãm.

Nhiều hành khách tham quan triển lãm “Chuyến tàu xuân” cho biết, trong lúc chờ tàu, được thưởng thức những tác phẩm ấn tượng, cảm nhận cái đẹp trong không gian nghệ thuật đầy thú vị ngay tại phòng chờ tàu. Các họa sĩ bày tỏ ngành đường sắt có ý tưởng độc đáo, tạo sân chơi bổ ích, lý thú kết nối các họa sĩ. Đây cũng là cơ hội để họ lưu giữ kỉ niệm đẹp, mở rộng vốn sống, đề tài sáng tác, có thêm chất liệu để sáng tạo những tác phẩm mới về đề tài nhà ga, con tàu, đất nước, con người Việt Nam. Ngành đường sắt đang nỗ lực đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến nhiều trải nghiệm cho hành khách, các họa sĩ mong muốn tiếp tục đồng hành để có nhiều cơ hội sáng tác, triển lãm lưu động ngay trên tàu và các nhà ga, qua đó lan tỏa vẻ đẹp nghệ thuật, giá trị văn hóa đến đông đảo công chúng thưởng lãm.