Hàng xóm phố

Tôi mới chuyển đến sống trong một khu tập thể được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Mặc dù chưa quen ai, chưa có hàng xóm nhưng không gian này đã mang đến cho tôi cảm giác quen thuộc, gần gũi vô cùng.
0:00 / 0:00
0:00

Cảm giác đó có lẽ không đơn thuần bởi nhà tập thể vốn là một đặc trưng của Hà Nội trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Những ngôi nhà tập thể cũ, rêu phong đã đi vào văn chương, điện ảnh, hội họa… và cũng đi vào tâm thức của chúng ta một cách rất tự nhiên. Mặc cho ngoài kia là phố phường huyên náo, nhà cao tầng, cao ốc mọc lên, khu nhà tập thể của tôi khuất nẻo đường phố bởi nằm sau một ngõ nhỏ. Sự quen thuộc ùa về ngay từ những bậc cầu thang cũ, nơi đã in dấu chân của biết bao nhiêu người. Những bước chân thời gian cũng để lại dấu vết nơi đây khiến cho người mới đến không thấy mình xa lạ.

Những căn phòng cửa đóng im ỉm, tôi không phân biệt được là có người ở trong hay không. Người chủ cũ để lại cho tôi căn nhà này trong sự luyến tiếc ký ức, vì sự thay đổi chẳng đừng nên phải rời đi. Trước khi đi bà vẫn kịp nói cho tôi biết sơ qua về những người hàng xóm, “để chẳng may khi tối lửa tắt đèn”, bà nói với tôi mà như nói với chính mình. Còn tôi, ngay giây phút ấy tôi đã vô cùng xúc động, câu nói ấy đã phá vỡ định kiến “thành phố không có hàng xóm” mà từ ngày đến phố tôi luôn mặc định. Lúc bà dẫn tôi đi giới thiệu với hàng xóm cũng là lúc bà tiện thể từ biệt hàng xóm luôn, bà bảo: “Ở cạnh nhau bao năm, khi đi cũng nên có một lời chào”. Không cần phải vào nhà để trình bày dông dài, không cần miếng trầu cho đầu câu chuyện, không cần nước nôi mời mọc. Chỉ đơn thuần, bà gõ cửa từng nhà ở cùng tầng, giới thiệu vắn tắt với họ về gia đình tôi và chào từ biệt để sau đó bà sẽ đi luôn. Có nhà không có người lớn ở nhà, đứa trẻ ra mở cửa, bà không quên nói “về bảo bố mẹ là có nhà cô này đến làm hàng xóm mới, bà chào để bà chuyển đi nhé…”, có nhà đi vắng, bà vẫn không quên cho tôi vài thông tin về họ.

Bà không phải người Hà Nội gốc, tôi cũng vậy, chúng tôi đã đem theo nếp nghĩ ở quê ra phố, và mặc dù chỉ biết nhau qua việc mua bán nhà cửa, nhưng nếp nghĩ ấy đã vô hình khiến cho cuộc mua bán, người rời đi và người chuyển đến thấy dễ chịu, nhẹ nhàng hơn. Tôi đã từng ở trọ nhiều năm ở một khu phố khác, hình ảnh những người hàng xóm sáng đi, tối về, kín cổng cao tường khiến tôi thấy người phố thật xa lạ. Nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn không biết tên những người hàng xóm ấy. Từ đó, tôi cũng tự đóng khung mình trong ý nghĩ ở phố không cần và không có hàng xóm.

Tôi đến ở khu tập thể được vài ngày thì một người hàng xóm gõ cửa đến chơi. Gia đình chị đã ở Hà Nội nhiều đời, chị mang cho tôi ít bánh cốm và nói cho tôi biết thêm về nếp sống ở khu nhà để tôi không bỡ ngỡ. Từ chị, từ bà chủ nhà cũ, tôi hiểu thêm, tình làng nghĩa xóm luôn có ở mọi nơi, không phân biệt gốc gác, điều quan trọng là chúng ta biết duy trì, nuôi dưỡng tình cảm ấy trong chính bản thân mình.