Hải Dương bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên

NDO - Chiều 19/5, tại thành phố Chí Linh (Hải Dương) diễn ra hội thảo khoa học phương án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên nhằm làm sáng tỏ thêm những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của hai ngôi chùa cổ.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo khoa học phương án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên.
Hội thảo khoa học phương án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên.

Chùa Ngũ Đài tại phường Hoàng Tiến (Chí Linh) căn cứ kết quả khai quật khảo cổ năm 2019-2020, đã phát hiện nền móng, hiện vật từ thời Trần (thế kỷ 13, 14), thời Hậu Lê (thế kỷ 17, 18) và kéo dài đến thời Nguyễn (thế kỷ 19, 20); là một đại danh lam cổ tích, có vị trí quan trọng của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.

Chùa Huyền Thiên tại phường Văn An (Chí Linh), còn có tên gọi là động cổ Vân Tiên, tương truyền Huyền Vân cư sĩ, người Chí Linh đã đến đây luyện thuốc trường sinh.

Vào thời nhà Trần, chùa Huyền Thiên là một danh lam cổ tích, nơi lưu dấu Trúc Lâm Tam Tổ và các danh nhân như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm...

Hải Dương bảo tồn, tôn tạo, phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên ảnh 1

Một góc di tích chùa Ngũ Đài ở thành phố Chí Linh (Hải Dương).

Nội dung tham luận tại Hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính.

Chủ đề thứ nhất là giá trị lịch sử, văn hóa của di tích chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên trên vùng đất địa linh nhân kiệt Chí Linh; về giá trị lịch sử-văn hóa được thể hiện qua các nguồn sử liệu; về lịch sử hình thành và phát triển gắn với Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm; về diễn biến kiến trúc của di tích qua các thời kỳ lịch sử Trần-Lê-Nguyễn; về giá trị di tích từ góc độ tôn giáo, tín ngưỡng.

Chủ đề thứ hai là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên với nhiều ý kiến đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trong đó, có những ý kiến đề xuất những nội dung mang tính chất định hướng bảo tồn, phát huy giá trị 2 di tích; có những ý kiến đề xuất những nội dung bảo tồn, phát huy giá trị 2 di tích một cách cụ thể trực tiếp vào phương án tôn tạo, phục dựng di tích.

Một số tham luận đề xuất các giải pháp phát triển tiềm năng du lịch tại 2 di tích, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương...

Nhìn chung, các ý kiến tham luận đều đồng nhất quan điểm những giá trị về lịch sử-văn hóa của chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên là rất lớn và xác thực, đặc biệt đối với việc tìm hiểu sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và lịch sử-văn hóa dân tộc nói chung.

Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp tôn tạo, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa, tôn giáo các di tích chùa Ngũ Đài và chùa Huyền Thiên tương xứng với quy mô, giá trị di tích đã từng tồn tại trong lịch sử.

Trên cơ sở đó, phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hóa của tỉnh Hải Dương, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.