Một trong những “đặc sản” của người Cao Lan là làn điệu sình ca, loại hình xướng ca truyền thống của đồng bào Cao Lan đã được Nghệ nhân Sầm Văn Dừn dày công sưu tầm và “truyền lửa” cho thế hệ mai sau. Sình ca được ghi lại bằng chữ nho (chữ Hán), hát bằng tiếng dân tộc Cao Lan, sau đó sẽ hát tiếp lời dịch bằng tiếng phổ thông. Triết lý trong sình ca vô cùng sâu sắc, với những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, hát về con người, vũ trụ… Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình văn hóa thôn Mãn Hóa, ông Sầm Văn Dừn thường xuyên vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ. Đội văn nghệ do ông thành lập thường xuyên duy trì sinh hoạt suốt hơn 20 năm qua và cũng trở thành niềm tự hào của đồng bào Cao Lan ở Tuyên Quang khi liên tục giành được những giải thưởng lớn tại các hội thi, hội diễn trong toàn quốc, vinh dự được phục vụ nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước. Ông Sầm Văn Dừn chia sẻ: “Mong muốn được truyền đến lớp trẻ di sản của cha ông để lại cho nên tôi đã mở lớp dạy hát sình ca tại nhà. Những năm qua, tôi đã truyền dạy cho gần 100 học viên biết hát, múa các bài hát dân tộc. Tôi cũng đã đóng góp nhiều bản dịch bài hát sình ca cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang làm tư liệu nghiên cứu, lập hồ sơ và được cấp có thẩm quyền công nhận sình ca của dân tộc Cao Lan là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Cùng với việc sưu tầm, biên soạn sình ca, tâm huyết của Nghệ nhân nhân dân Sầm Văn Dừn còn được ghi dấu bằng việc lưu giữ kho sách quý hàng trăm năm tuổi viết bằng chữ nho của đồng bào Cao Lan. Ông Dừn cho biết: “Những cuốn sách cổ tôi đang lưu giữ chủ yếu mô tả về nguồn gốc loài người, ca dao, tục ngữ, chứa đựng những câu chuyện kể về các vị thần trong tín ngưỡng đồng bào, quá trình di cư, định cư và nhất là các nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người Cao Lan”. Hiện nay, ông Dừn đã sưu tầm và lưu giữ hơn 200 đầu sách cổ và tám tập sách hát sình ca của dân tộc mình. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, chắt lọc những gì tinh túy nhất của văn hóa dân tộc mình qua từng trang sách, từng lời ca cổ để truyền dạy cho lớp trẻ trong thôn. Nhờ đó, các điệu múa cổ và những làn điệu sình ca đã được phục dựng theo nguyên bản. Ông còn được dân bản gọi là “Bảo tàng sống” bởi đang lưu giữ các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: sành, pí lè, chũm chọe, sóc nhạc…
Dịp Tết đến, Xuân về, trong không khí sum họp của mỗi gia đình ở vùng cao thôn Mãn Hóa, làn điệu sình ca ngọt ngào, say đắm lòng người lại rộn ràng cất lên. Theo Nghệ nhân Sầm Văn Dừn, việc khơi dậy thành công phong trào văn nghệ ở địa phương không chỉ làm cho văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Cao Lan được gìn giữ và lưu truyền, mà còn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tại thôn, bản...