Quảng Bình bảo tồn, phục dựng lễ hội mừng cơm mới

Trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Trong đó nổi bật nhất có lễ hội mừng cơm mới được bà con tổ chức sau mùa thu hoạch lúa rẫy vào tháng 10 và 11 âm lịch hằng năm. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực bảo tồn và đưa lễ hội thành một hoạt động văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng bên dãy Trường Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân hát múa trong lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều.
Người dân hát múa trong lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều.

Già làng Hồ Ai ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh chia sẻ, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sống dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, trước đây cuộc sống gắn với phương thức canh tác đơn giản trên rẫy, ven rừng. Sau mùa lúa rẫy hằng năm, bà con tổ chức lễ hội mừng cơm mới để tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống no đủ. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ trước do du canh, du cư dọc dãy Trường Sơn, lại gặp khó khăn do thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn cho nên lễ hội ít được tổ chức, nhiều nơi dần mai một.

Gần đây, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhất là bộ đội biên phòng, người dân đã biết khai hoang các thung lũng để trồng lúa nước. Ở nhiều bản làng, hai vụ lúa nước đã giúp cho bà con chủ động được lương thực, không còn thiếu đói như trước.

Do vậy, để mừng sự ấm no nhờ cây lúa, bà con lại tổ chức lễ hội mừng cơm mới, trước là để tạ ơn, sau là dịp để dân bản quây quần, liên hoan, hát mừng bản làng đổi mới.

Theo các già làng, đồng bào Bru-Vân Kiều chuẩn bị lễ vật cho lễ hội mừng cơm mới rất chu đáo. Lúa nếp sau khi đưa từ nương, rẫy, ruộng về cất ở nhà ít nhất ba ngày mới đem giã tạo ra những hạt gạo nếp trắng, thơm.

Gần đến ngày tổ chức lễ, phụ nữ cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng, trên nương để chuẩn bị vật phẩm phục vụ lễ cúng mừng cơm mới. Trong khi đó, những người đàn ông vào rừng, xuống suối để tìm kiếm những sản vật của thiên nhiên như cá, mật ong rừng...

Còn các già làng, trưởng bản, người uy tín trong đồng bào Bru-Vân Kiều thì chọn bãi đất rộng, bằng phẳng ngay giữa bản để dựng cột nêu hình cây lúa. Trên cây nêu có buộc những cây lúa sai hạt, tượng trưng cho sự no đủ. Cột nêu được trang trí hình chim muông, mặt trăng, mặt trời với các đường nét đơn giản nhưng thanh thoát theo ý niệm của người Bru-Vân Kiều.

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình được tổ chức theo quy mô cộng đồng, do đồng bào tự đóng góp và thường tiến hành theo cụm bản, hay từng dòng họ. Sau phần cúng lễ của già làng, người có uy tín để mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làng bản yên bình là đồng bào tham gia thực hành các nghi lễ dâng cúng vật phẩm.

Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay đời sống của đồng bào Bru-Vân Kiều đã có nhiều đổi mới cho nên bà con chú trọng gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội mừng cơm mới.

Với lợi thế xã Ngân Thủy là vùng rừng núi, hang động có nhiều phong cảnh đẹp cho khai thác phát triển du lịch. Xã đang phối hợp các đơn vị liên quan để hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tổ chức mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nơi đại ngàn Trường Sơn.

Mới đây, tại thành phố Đồng Hới, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Quảng Bình và Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy tổ chức buổi trưng bày và thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội mừng cơm mới/lúa mới của người Bru-Vân Kiều” trong hành trình du lịch di sản Quảng Bình và Quảng Trị.

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương. Đây cũng là dịp để đồng bào giao lưu, quảng bá sản phẩm văn hóa cộng đồng ra bên ngoài.