Hà Nội xây dựng những thế hệ “công dân sáng tạo”

Năm 2019, thành phố gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Để xây dựng Thành phố sáng tạo một cách bền vững, cần phải có những công dân sáng tạo. Do đó, thành phố đang tìm giải pháp để phát triển giáo dục sáng tạo, tạo nền móng vững chắc cho Thành phố sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Sáng 20/12, tại Bảo tàng Hà Nội (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”.

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn. Năm 2019, thành phố gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là sự đổi mới tư duy quan trọng khi thành phố hướng tới sự phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các nguồn lực văn hóa sáng tạo.

Để có thể xây dựng Thành phố sáng tạo thì một trong những nhân tố quan trọng phải có con người sáng tạo. Điều này phải được xây dựng nền móng từ giáo dục sáng tạo.

Xây dựng, phát triển nền giáo dục sáng tạo sẽ góp phần hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.

Hiện nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội được thành phố giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng Đề án về “Phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô - Tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm ươm mầm và nuôi dưỡng nguồn lực sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng khái quát thực trạng về việc phát triển giáo dục sáng tạo của Thủ đô thời gian qua, những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức để hình thành, phát triển môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo bền vững.

Hiện nay, các nội dung văn hóa và sáng tạo dù đã được đưa vào chương trình giảng dạy, song vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các nhà giáo dục và học sinh, thường bị coi là “môn phụ”; chưa có được môi trường thuận lợi để tạo ra những trải nghiệm phát huy hết tinh thần sáng tạo cho học sinh.

Giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; các hoạt động sáng tạo còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa thu hút được người dân.

Trên cơ sở phân tích những ưu điểm, hạn chế của giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề xuất, gợi mở các giải pháp, những sáng kiến hay, những mô hình hoạt động hiệu quả từ kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế, để phát triển giáo dục sáng tạo Thủ đô.

Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được ghi nhận để tiến tới xây dựng cơ chế, chính sách để xây dựng, phát triển giáo dục sáng tạo, góp phần củng cố thương hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo, từng bước đưa Thủ đô trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hoá lớn của cả nước.