Ngày 12/1, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội tổ chức hội nghị phổ biến nội dung Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND ban hành quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các sở, ngành, quận, huyện thị xã Sơn Tây; Ban Quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội; Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số văn bản liên quan.
Bảo đảm thống nhất giữa các quy hoạch
Thực hiện phân cấp, thời gian qua, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện khối lượng công việc rất lớn, quản lý quy hoạch kiến trúc và quản lý đầu tư theo quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các quận huyện đã được phân cấp rất nhiều việc: tổng mặt bằng, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, phê duyệt chỉ giới… giải quyết các dự án đấu giá, đấu giá xen kẹt, hạ tầng, dự án dân sinh bức xúc.
Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo quy định mới, các đầu việc không tăng nhiều, nhưng diện phân cấp và mức độ quản lý lại tăng lên. Trước đây, Sở Quy hoạch-Kiến trúc quản lý từ khu vực vành đai 3 trở vào trung tâm và các khu vực quan trọng, nay Sở chỉ quản lý các công trình công cộng quan trọng.
Tương tự như vậy, trước đây, các quận, huyện phải xin ý kiến Sở Quy hoạch- Kiến trúc về tổng mặt bằng. Nay chỉ còn 2 nội dung là về tổng mặt bằng chung cư và chung cư cũ phải xin ý kiến Sở.
Vấn đề khó khi thực hiện theo Quyết định số 38 là yêu cầu về nhân lực, năng lực của cán bộ chính quyền địa phương, đặc biệt là phòng quản lý đô thị các quận, huyện.
Cho đến nay, tại Hà Nội, không có nhiều đơn vị quận, huyện có đầy đủ cán bộ theo quy trình, quy định. Mới có 22/30 quận, huyện có đủ quân số biên chế về kiến trúc, đô thị; 8 quận, huyện hiện vẫn thiếu kiến trúc sư.