Sáng 9/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các sở, ngành của thành phố, và các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế của cả nước; đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một trong những động lực chính để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội thảo. |
Theo Bộ trưởng, Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.
Đến nay, toàn quốc đã cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; đã phê duyệt hoặc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch vùng, đang hoàn thiện trình 5 quy hoạch vùng. Đặc biệt, đã hoàn thành thẩm định xong 59/63 quy hoạch tỉnh, trong đó đã phê duyệt 50 quy hoạch.
Để bảo đảm Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có chất lượng, hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung cho ý kiến về: các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, các khâu đột phá trong phát triển, cách nghĩ, cách làm phi truyền thống, khác biệt trong quan điểm phát triển; các quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch; các ngành, lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên, cũng như định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó.
Đồng thời, cho ý kiến về tổ chức không gian phát triển của Thủ đô, các tiểu vùng kinh tế, các cực tăng trưởng giữ vai trò là trung tâm của Hà Nội; xem xét thêm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phù hợp với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 8,5-9,5% để đảm bảo tính khả thi; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô như hạ tầng không gian ngầm, hạ tầng giao thông; giải pháp thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao; giải pháp về nguồn lực để thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý danh mục các dự án ưu tiên…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu ý kiến. |
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu vào một số nội dung cụ thể, gồm: bổ sung thêm nội dung về “Lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô” vào trong báo cáo; xác định các điểm nghẽn, thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh mới và mục tiêu trở thành Thành phố toàn cầu; bảo vệ, khai thác các giá trị của hệ thống sông, hồ, đặc biệt là sông Hồng, vấn đề hài hòa giữa phòng, chống lũ và khai thác các giá trị sông Hồng để phát triển.
Cùng với đó là nội dung về phân vùng kinh tế-xã hội, phân vùng đô thị, phân vùng liên huyện; các giải pháp để huy động nguồn lực phát triển, nhất là các nguồn lực mới, khơi thông các nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng; bảo vệ môi trường…
5 trụ cột, 4 đột phá phát triển
Báo cáo tóm tắt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.
Theo đó, Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân báo cáo tóm tắt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hóa; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Quy hoạch đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65-70%...
Ngoài ra, Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quy hoạch đề cập 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cụ thể về bảo vệ môi trường; giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; kinh tế; văn hóa xã hội; an ninh, an toàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực. Trong đó, xác định nhiệm vụ về môi trường là nhiệm vụ cấp bách, cần giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí và giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ.
Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông
Cho ý kiến vào Quy hoạch Thủ đô, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Quy hoạch cần xác định rõ vai trò, vị trí của thành phố Hà Nội trong giai đoạn này đang ở đâu so với tiến trình mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra.
Bên cạnh đó, cần tập trung đánh giá cơ cấu kinh tế của Hà Nội đã hợp lý chưa khi hiện nay tốc độ tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của thành phố có xu hướng giảm dần so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, giai đoạn 2010-2022. Theo ông Sinh, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP của Hà Nội còn thấp, cần làm rõ thời gian tới đây có dư địa để tăng tỷ trọng công nghiệp hay không.
TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP của Hà Nội còn thấp, cần làm rõ thời gian tới đây có dư địa để tăng tỷ trọng công nghiệp hay không. |
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, quy hoạch đề cập các điểm nghẽn đúng với tất cả các địa phương, nhưng chưa nêu bật được điểm nghẽn riêng, đặc thù của Hà Nội, trong đó có thể kể đến như điểm nghẽn về giao thông ngầm và thể chế, cụ thể là mô hình quản trị đô thị.
“Ngoài ra, các khâu đột phá cũng còn chung chung, cần cụ thể hơn về đột phá hạ tầng, thể chế như thế nào, đặc biệt là cần làm rõ thêm về các giải pháp đột phá trong triển khai thực hiện”, ông Sinh nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của TS Cao Viết Sinh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng thúc đẩy tỷ trọng công nghiệp là một vấn đề Hà Nội cần lưu tâm, bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Theo GS, TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt, cần định hướng rõ rệt, biện pháp cụ thể cho giao thông đô thị thành phố Hà Nội. Ông Khuê kiến nghị xây dựng một chương trình hành động mang tính đột phá về phát triển giao thông công cộng Hà Nội cho 10-15 năm tới.
Góp ý kiến về động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất cho Hà Nội trong tương lai, ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á cho rằng phát triển kinh tế không tập trung vào quá nhiều ngành, mỗi ngành tăng trưởng ít, mà là tập trung vào một số ít ngành, mỗi ngành tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông dẫn thí dụ một số thành phố ở châu Á đang xác định vai trò của mình trong khu vực với những cơ hội tăng trưởng mới và chỉ xác định một số ít ngành là ưu tiên của họ. Chẳng hạn, Singapore hay Thâm Quyến (Trung Quốc) lấy ngành sản xuất công nghệ cao, tài chính làm mũi nhọn, động lực tăng trưởng chính.
Một vấn đề khác được ông Lewis Malone đề cập là cần biết được đang có những xu hướng gì trên thế giới và những xu hướng này tác động ra sao đến tăng trưởng của Hà Nội. Theo ông, có 3 xu hướng hiện hữu là sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chuyển dịch xanh (chuyển đổi từ những lĩnh vực sản xuất nhiều carbon sang những lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo), và cách mạng trí tuệ nhân tạo.
“Hà Nội có những lợi thế, tiềm năng nhất định để có thể nắm bắt cơ hội từ những xu thế này. Thành phố cần tập trung vào một số ngành trọng điểm để tạo đột phá; các lĩnh vực như tài chính, công nghiệp, công nghệ sẽ là những mũi nhọn giúp Hà Nội phát triển hơn nữa”, Giám đốc điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á nói.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Quy hoạch Thủ đô cần đánh giá rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, xác định điểm nghẽn đang cản trở phát triển của Hà Nội thời gian qua; xác định rõ hơn vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội đối với sự phát triển của vùng. Đồng thời, cần có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên, có tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra động lực mới, giá trị mới cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thành phố cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phải giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; khai thác hệ thống giao thông ngầm, đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai…