Ngày 8/11, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Hà Nội khai thác hiệu quả quỹ nhà, đất công
Nghị quyết này quy định chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô về việc sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp sử dụng tài sản công để cung cấp các dịch vụ cho các hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm và trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hoặc trong các trường hợp được quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Bao gồm các nội dung: nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục lập, lấy ý kiến, quyết định đề án sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Biện pháp bảo vệ, giữ gìn, tu bổ tài sản trong quá trình sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết quy định tại Nghị quyết này là các tài sản công thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn thành phố, phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Đối tượng áp dụng Nghị quyết là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
12 ý kiến phát biểu tại hội nghị của các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, bảo đảm tài sản không bị “chết” mà được sử dụng có mục đích theo đúng công năng quy định; bù đắp chi phí sửa chữa, duy tu và duy trì tài sản của nhà nước và một phần thu cho đơn vị để nâng cao thu nhập của người lao động và thu một phần ngân sách nhà nước.
Một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm một số văn bản luật, nghị định liên quan cho đầy đủ cơ sở pháp lý; cần bổ sung mục tiêu của đề án; làm rõ cơ chế thu, chi đối với các loại hình đơn vị,…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, tầm quan trọng của Nghị quyết nhằm thực hiện Luật Thủ đô năm 2024, thể hiện tính chính trị cao, đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phòng, chống lãng phí.
Đồng chí cũng đề nghị cơ quan soạn thảo là Sở Tài chính cần lựa chọn những nội dung trúng, đúng. Tiếp tục rà soát các luật để bảo đảm cơ sở pháp lý cụ thể; bảo đảm minh bạch, công khai trong hoạt động cho thuê; bổ sung quy định chi tiết về cơ chế tài chính; cụ thể hóa trách nhiệm bảo vệ và tu bổ tài sản công; đơn giản hóa thủ tục phê duyệt và triển khai.
Tăng cường giám sát và trách nhiệm giải trình của các đơn vị quản lý tài sản công; đánh giá rủi ro và có kế hoạch phòng ngừa cụ thể khi xảy ra các tình huống bất khả kháng, hoặc các sự cố ngoài ý muốn, để bảo toàn giá trị tài sản công; thường xuyên tổ chức đánh giá hiệu quả triển khai Nghị quyết. Cần chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát để khẳng định nghị quyết thực sự mang lại hiệu quả, được các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân ủng hộ; có kế hoạch truyền thông để nhân dân hiểu về quá trình triển khai Nghị quyết.