Dự thảo Nghị quyết đề cập đến ba trường hợp được quản lý để đăng ký thường trú gồm thuê, mượn, ở nhờ; xác định diện tích tối thiểu theo khu vực ngoại thành, nội thành trên định lượng được căn cứ từ thống kê nhà ở, dân số. Các ý kiến đặc biệt lưu ý khi xây dựng nghị quyết nên có báo cáo đánh giá về thực trạng và tác động xã hội, đồng thời cần quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú.
Xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi nhũng nhiễu
Tại kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 vừa được ban hành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Nội vụ tăng cường kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách thủ tục hành chính để kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của các cấp, các ngành khi thi hành công vụ. Để cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức”, Hà Nội giao Thanh tra thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho người dân, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp.
Tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội” với nhiều định hướng quan trọng. Thành phố giao Sở Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, triển khai Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030; thực hiện đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trong thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào trong thời gian từ năm 2023-2025. Để phát triển các ngành kinh tế đô thị, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ cụ thể thể phát triển các mô hình kinh tế mới, trong đó có nghiên cứu phát triển kinh tế vỉa hè.