Hà Nam quyết tâm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh từ 5-10%

NDO - Chiều 10/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam sơ kết thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, phát biểu tại hội nghị.

Trong 6 tháng cuối năm, với mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh từ 5-10% so với năm 2022, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Nam yêu cầu lãnh đạo các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Đối với ngành Công an, chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường. Tập trung xử lý theo các chuyên đề nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông; xử lý cương quyết, đúng quy định pháp luật.

Phối hợp Sở Giao thông vận tải tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để đề xuất khắc phục kịp thời các bất hợp lý về tổ chức giao thông, chú trọng các tuyến, địa bàn giao thông phức tạp và giải quyết các điểm, các vị trí nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Sở Giao thông vận tải cần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quản lý, đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường kiểm tra, điều chỉnh bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông phù hợp quy chuẩn quốc gia; rà soát, kiến nghị khắc phục kịp thời những bất cập trong tổ chức giao thông, các điểm đen.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bản tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; tăng cường các biện pháp giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trật tự an toàn giao thông.

Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Tổ chức Đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các địa phương có tai nạn giao thông tăng trong 6 tháng đầu năm 2023, xác định nguyên nhân trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đề xuất biện pháp xử lý theo Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 4/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định trách nhiệm và các hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Thực hiện chủ đề năm an toàn giao thông năm 2023 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, 6 tháng đầu năm, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông; công tác quản lý nhà nước, các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông được tỉnh Hà Nam triển khai đồng bộ; công tác tổ chức giao thông; duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông và khắc phục những điểm bất cập, thiếu an toàn giao thông trên các tuyến đường… được quan tâm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam đã kiểm tra, xử lý 8.552 trường hợp vi phạm, phạt tiền 27,71 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023 công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn những tồn tại, hạn chế: Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 148 vụ tai nạn giao thông, làm chết 71 người và làm bị thương 119 người. So cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông tăng 31 vụ (26,5%), tăng 2 người chết (2,9%); tăng 41 người bị thương (52,0%).

Tai nạn giao thông trên các tuyến đường tỉnh, nội thị và một số tuyến đường quốc lộ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 38, quốc lộ 21, tuyến nối hai cao tốc… Trong đó, có 3 địa phương (thị xã Duy Tiên, thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân) tai nạn giao thông tăng mạnh cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Vi phạm các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, vi phạm đấu nối, lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được xác định là do: Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế; tình trạng lái xe vi phạm quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm nồng độ cồn, chất ma tuý... còn diễn ra khá phổ biến.

Người dân sinh sống dọc hai bên các tuyến đường giao thông vi phạm lấn chiếm hành lang, lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, họp chợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều thiếu sót, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội, còn tồn tại một số bất cập về tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ chưa được xử lý kịp thời.