Khảo sát thực tế tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội, bên cạnh các phương tiện phổ biến như xe đạp, hay mới hơn là xe đạp điện, xe máy điện… tình trạng điều khiển xe gắn máy trên 50cc, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí chở ba, chở bốn phóng nhanh trên đường khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Chị Hoàng Yên (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trên đường đi làm hằng ngày, qua nút giao Nguyễn Văn Huyên-Tô Hiệu không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu còn mặc áo học sinh ngồi trên xe máy điện cho đến các dòng xe trên 50cc như Wave, Airblade hay Liberty, Sh125... không đội mũ bảo hiểm đi trên đường. “Tôi thấy rất nguy hiểm khi thấy những cô cậu học sinh này phóng bạt mạng trên đường.
Thậm chí, có nhiều nhóm bạn trẻ chở ba dàn hàng ngang, lạng lách… như vậy rất nguy hiểm và cản trở những người khác đang di chuyển” - chị Yên nói. Không chỉ ở trong các khu phố, khu đô thị, tại một số trục giao thông như Quang Trung (Hà Đông), Quốc lộ 21B, đoạn qua địa phận huyện Thanh Oai; Quốc lộ 32, huyện Hoài Đức… tình trạng thanh, thiếu niên còn khoác áo học sinh chở ba, chở bốn, không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh, lạng lách diễn ra khá nhiều, nhất là vào các buổi tối.
Lái xe Xuân Toàn, trú tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ, không ít lần phải “thót tim” vì những chiếc xe điện do các bạn trẻ mới chỉ 15-16 tuổi điều khiển: “Nhiều khi thấy các em học sinh là bọn anh phải nhường, phải ưu tiên. Các em đi không có hàng lối gì, nhất là học sinh THPT, mũ không đội, chở hai, chở ba, đi hàng 2, hàng 3 lượn lách. Không chỉ con trai mà kể cả con gái”.
Thực tế nêu trên cho thấy, mặc dù trong thời gian nghỉ hè, những vi phạm ATGT ở đối tượng học sinh vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Dịp tháng 6 vừa qua, xảy ra trường hợp 4 học sinh vừa thi tuyển vào lớp 10 tại phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài (Bình Phước), sau khi liên hoan chia tay trở về đã xảy ra tai nạn.
Nguyên nhân do các em điều khiển xe gắn máy dàn hàng ngang và đùa nghịch trên đoạn đường hẹp, che khuất tầm nhìn, cùng lúc này một xe ô-tô đi tới, do bất ngờ, thiếu tập trung nên các em đã dạt sang một bên, tự va quệt vào nhau rồi ngã ra đường. Rất may do ô-tô đi chậm nên đã không xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh chưa cao.
Bên cạnh đó, do nghỉ hè các cháu không phải đến trường học, trong khi các bậc phụ huynh đi làm cả ngày nên khó quản lý việc đi lại của con em mình. Nhiều gia đình mặc nhiên chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về TNGT.
Thêm vào đó, một số em học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích “thể hiện”, có tâm lý coi thường, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều… Nhiều trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh, giáo viên và phổ biến đến phụ huynh các quy định về ATGT, nhưng thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định về ATGT của học sinh, thời điểm trước khi nghỉ hè, tất cả các trường học trên địa bàn Hà Nội đã tập trung phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh. Các nhà trường đều lồng ghép nội dung giáo dục ATGT, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa, tiết giáo dục công dân...
Luật An toàn giao thông đường bộ đã quy định cụ thể về độ tuổi sử dụng các phương tiện tham gia giao thông. Các nhà trường cũng đã yêu cầu phụ huynh học sinh cam kết không giao xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; học sinh cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông…
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, công việc này không chỉ cần sự nỗ lực của nhà trường, mà cần sự chung sức kiên trì, có trách nhiệm và nghiêm khắc của cả nhà trường, gia đình và xã hội ngay cả trong dịp nghỉ hè trong việc chấn chỉnh, rèn thói quen chấp hành nội quy, quy định của pháp luật, từ đó mới có thể tạo chuyển biến một cách bền vững về ý thức và hành vi tuân thủ các quy định về ATGT của học sinh.
Bên cạnh việc tăng cường giáo dục của nhà trường, việc xử lý kỷ luật nghiêm khi học sinh vi phạm các quy định về ATGT cần được thiết lập lại một cách thống nhất và kiên quyết hơn, tránh tình trạng nơi lỏng, nơi buông, khiến học sinh chưa tuân thủ quy định.
Ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, các chuyên gia về giáo dục cho rằng cần tăng cường đầu tư, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè, sinh hoạt hè tại tổ dân phố, khu dân cư nhằm quản lý học sinh một cách hiệu quả. Mỗi gia đình cần quản lý chặt phương tiện, giáo dục con em chấp hành pháp luật về ATGT nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho chính gia đình mình và xã hội.