Dự hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, một số địa phương cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, nhà doanh nghiệp.
Đề dẫn hội thảo nêu rõ, việc tổ chức hội thảo nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch Thủ đô; của việc cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và của thành phố về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị thành phố.
Đồng thời, hội thảo làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hội thảo cũng góp phần tuyên truyền tạo sự thống nhất giúp các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế-xã hội thành phố; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị-xã hội, hội nghề nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu vào công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề lớn: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện thành phố Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hơn 60 bài tham luận và ý kiến phát biểu gửi đến, trình bày tại hội thảo thể hiện tâm huyết, khát vọng được đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Từ nhiều giác độ, các tham luận tập trung làm rõ vấn đề về lý luận và thực tiễn trong xây dựng quy hoạch Thủ đô, về quy hoạch Thủ đô, về thể chế để phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, giàu bản sắc, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều ý kiến trình bày đề cập cơ chế, đề xuất có chính sách “vượt trội”, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô. Nhiều tham luận nêu rõ cách tiếp cận đa chiều đối với lập quy hoạch Thủ đô; quản lý Quy hoạch để phát triển không gian Thủ đô; phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính, đất đai trong xây dựng và phát triển Thủ đô.