Gỡ vướng pháp lý, xây dựng nhà ở vừa túi tiền

Đó là một trong những giải pháp được các chuyên gia nêu ra tại diễn đàn "Khơi thông nguồn cung bất động sản phía nam-Xu hướng đầu tư" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án nhà ở tại Quận 7.
Một dự án nhà ở tại Quận 7.

Những tín hiệu lạc quan

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, trước sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường bất động sản đang dần phục hồi trở lại, nhất là phân khúc căn hộ chung cư. Thị trường đã chứng kiến hoạt động giao dịch sôi động hơn với nhiều sản phẩm mới được tung ra thị trường, từ phân khúc cao cấp cho tới trung cấp. Giá bán thứ cấp tại thị trường căn hộ chung cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng so với quý trước và tăng nhiều ở một số khu vực như Quận 7, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận…

Kết thúc quý I/2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 61.000 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng hồi phục còn lan rộng ra các thị trường lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… Nguồn cung liên tục được cải thiện khi nhiều dự án của các chủ đầu tư lớn được chào bán ra thị trường.

Những hỗ trợ về chính sách và lãi suất của Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đậm nét hơn. Chính quyền thành phố đã giải quyết được khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bất động sản bị vướng mắc, khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Mọi sự chuyển biến sẽ diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi và tích lũy trước đó, cùng với sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đô thị hóa. Trong đó, phân khúc có nhu cầu lớn là căn hộ chung cư sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Tiếp đến là loại hình nhà, đất thổ cư khi các nhà đầu tư ngày càng chắc chắn hơn về triển vọng phục hồi của thị trường địa ốc sau khi trải qua quá trình "thăm dò".

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn thành phố là hơn 970.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ bất động sản cả nước, tăng khoảng 0,46% so với cuối năm 2023, đặc biệt trong tháng 3 đầu năm 2024 tăng khoảng 0,96%. Điểm tích cực là tín dụng bất động sản tháng 3 đã bắt đầu tăng trở lại so với 2 tháng đầu năm 2024. Tính chung quý I, tín dụng bất động sản đã tăng khoảng 0,46%.

Ông Lệnh cho rằng: Có được kết quả này xuất phát từ: Cơ chế, chính sách tiền tệ tín dụng của ngân hàng Trung ương đã phát huy tác dụng, nhất là chính sách lãi suất thấp đã khuyến khích sản xuất, kinh doanh cũng như kích thích thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản có chuyển biến, các giao dịch bất động sản tăng. Tín dụng bất động sản tốt sẽ tác động vừa trực tiếp, vừa gián tiếp tới tăng trưởng của nền kinh tế.

Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Hoàng Hải cho rằng, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản, nhất là trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất... để tiếp tục triển khai thực hiện tăng nguồn cung cho thị trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đưa ra ba chữ thông, đó là: "Thông suốt (hàng hóa, dòng tiền); Thông thoáng (cơ chế chính sách); Thông minh (bộ máy thực thi)". Bộ máy chính quyền cùng các doanh nghiệp cần sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp; cần cách tiếp cận khác cho nhà ở xã hội; xác định rõ vai trò của Nhà nước-ngân hàng-doanh nghiệp-người dân.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, vướng mắc về pháp lý vẫn chiếm 70% nguyên nhân gây khó khăn của thị trường bất động sản. Do vậy, muốn thị trường phục hồi thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các dự án nhà ở; tăng tổng cầu nhà ở. Nhưng điều cần lưu ý không phải là tổng nhu cầu nói chung mà là tổng nhu cầu có khả năng thanh toán. Để làm được điều này và hạn chế đầu cơ, cần phải phát triển nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội, đó là hướng chủ đạo.

Còn theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đã chính thức được Quốc hội thông qua, thời gian tới các cơ quan quản lý vẫn cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất... để tăng nguồn cung cho thị trường; tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của dự án bất động sản…

Ngoài nỗ lực của bộ máy chính quyền thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động rà soát về thủ tục pháp lý, nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền; tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để bảo đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của doanh nghiệp và điều kiện thực tế của thị trường; chủ động rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai và hoàn thành dứt điểm từng dự án, tránh đầu tư dàn trải, dở dang, bảo đảm phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp; điều chỉnh lại phân khúc, giá bất động sản, phù hợp với thị trường và bảo đảm tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động và thực hiện dự án.