Giúp người dân vùng biên thoát nghèo bền vững

Thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đầu năm đến nay, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ 125 con bò giống cho 125 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
0:00 / 0:00
0:00

Với phương châm “cho cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ bò giống, tạo sinh kế cho hộ nghèo thời gian qua cho thấy hiệu quả bước đầu, tăng thêm cơ hội cải thiện sản xuất, giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Nguyễn Minh Nhường, buôn Đắk Huýt, xã Quảng Trực, thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020, gia đình ông được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò giống chăn nuôi phát triển kinh tế. Sau một thời gian, hai con bò mẹ mua giống ban đầu đã sinh sản. Tiếp đó, ông Nhường được cấp phát thêm một con bò giống từ nguồn vốn dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, đàn bò của gia đình ông đã sinh sản, tăng lên bốn con.

Để tiết kiệm chi phí sản xuất, tận dụng tối đa nguồn phân bò sẵn có, ông Nhường ủ phân bò với các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, mỗi năm tiết kiệm được cả chục triệu đồng tiền mua phân bón, năng suất cây trồng cũng tăng theo từng năm. Ông Nhường cho biết, nhờ được sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi của cơ quan chuyên môn cho nên bò được cấp phát khỏe mạnh, ăn uống tốt và thích nghi nhanh với môi trường mới.

Từ đầu năm tới nay, bò sinh sản thêm một con bê giống, hiện đàn bò khỏe mạnh, cuối năm nay có thể bò mẹ sẽ tiếp tục sinh sản thêm một bê giống. Ngoài thu nhập từ bò sinh sản, mỗi năm gia đình còn tiến hành ủ được khoảng 7,5 đến 10m3 phân chuồng, tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền mua phân bón cho vườn cà-phê so với trước đây.

Tương tự, bà Thị Khuôn cũng được hỗ trợ một con bò giống từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Lần đầu làm quen với chăn nuôi bò, nhưng được cán bộ thú y tập huấn kỹ thuật, bà đã chăm sóc bò rất tốt và đang trong giai đoạn mang bầu, dự kiến sẽ cho bê giống trong năm nay. Bà cho biết, do không có vốn tự phát triển sản xuất, cuộc sống gia đình chủ yếu phụ thuộc vào tiền công làm thuê cho các nhà vườn tại địa phương. Tuy nhiên, khi được cấp bò giống, gia đình rất vui mừng, vì bò là sinh kế nuôi hy vọng giúp gia đình thoát nghèo.

Trên cơ sở nguồn kinh phí từ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các hộ dân ở xã Quảng Trực được toàn quyền lựa chọn con giống chất lượng tốt, phù hợp cơ chế, chính sách và điều kiện chăn nuôi. Song song với việc hỗ trợ con giống, nhân viên thú y xã luôn đồng hành, hỗ trợ người dân về khoa học-kỹ thuật để chăn nuôi hiệu quả. Một số hộ được hỗ trợ bò còn thực hiện mô hình nuôi chung giúp tiết kiệm nhân công, qua đó phát huy được hiệu quả, sự đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ dân trong quá trình chăn nuôi.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Trực Điểu Khanh cho biết, xã là một trong những địa phương có tổng đàn trâu, bò nhiều nhất huyện Tuy Đức, với hơn 1.000 con. Trong đó, phần lớn bò giống được cấp phát từ các dự án giảm nghèo, chương trình hỗ trợ, tài trợ.

Chăn nuôi bò đã giúp cho nhiều hộ nghèo trong xã có thêm điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình và định hướng cho người dân tăng đàn, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chăn nuôi để tăng thu nhập, hướng đến làm giàu từ mô hình chăn nuôi bò.