Lợi ích kép từ cây xáo tam phân

Cách đây hai năm, anh Đinh Văn Túc ở xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, đưa cây xáo tam phân về trồng trên diện tích khoảng 9 sào. Hiệu quả mang lại không chỉ giúp gia đình thay đổi cuộc sống, anh Túc đã trở thành chủ vườn ươm giống và chia sẻ kinh nghiệm trồng loại cây này với người dân địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Đinh Văn Túc là người tiên phong đưa cây xáo tam phân về trồng tại xã Hải Yang.
Anh Đinh Văn Túc là người tiên phong đưa cây xáo tam phân về trồng tại xã Hải Yang.

Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu và được tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương, năm 2022, anh Túc đầu tư mua 1.000 bầu cây giống (5 cây/bầu) từ tỉnh Đồng Nai về trồng. Quá trình theo dõi, anh nhận thấy, cây xáo tam phân vốn là cây tự nhiên nên khả năng thích nghi cao, phát triển nhanh, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc, dễ trồng, có tuổi thọ cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác và có đầu ra ổn định.

Việc thu hoạch khá đơn giản, vì rễ cây không ăn quá sâu, thu hoạch theo phương pháp lần lượt: Cắt cành, lá trước; tiếp theo là đốn thân và cuối cùng là nhổ rễ. Theo ước tính của anh Túc, 1 sào xáo tam phân mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cây xáo tam phân được trồng phổ biến ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai... Theo tài liệu, xáo tam phân là vị thuốc quý trong y học cổ truyền, bởi nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người, như hỗ trợ điều trị ung thư, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan. Theo anh Túc, cây xáo tam phân có thời gian sinh trưởng và phát triển khoảng 5 đến 7 năm. Sau 24 tháng trồng thì bắt đầu cho thu hoạch một phần. Đến năm thứ 5 có thể thu hoạch toàn bộ cây để trồng lứa mới.

Tất cả thành phần của cây đều là nguyên liệu để sản xuất dược liệu, nhất là phần rễ. Một 1 sào đầu tư tiền giống khoảng 170 triệu đồng và tiền phân bón 70 triệu đồng. Cây chăm sóc đến năm thứ 2 thì bắt đầu cho thu hoạch cành, lá khoảng 3 tấn tươi, giá bán khoảng 30 nghìn đồng/kg; từ năm thứ 3 thì cây cho thu 2 đợt được khoảng 6 tấn. Nếu trồng 1 sào cây xáo tam phân, sau 3 năm, thu nhập từ bán thân và lá khoảng 270 triệu đồng; đến năm thứ 5, cho nguồn thu khoảng 390 triệu đồng từ thân, lá và rễ.

Vườn của gia đình anh Túc đang thu hoạch thân và lá, với số lượng có hạn nên anh chưa quảng bá rộng rãi. Riêng thân và lá khô, anh bán với giá 320 nghìn đồng/kg. Theo tính toán, mỗi cây cho trung bình khoảng 4 kg rễ; hiện giá thị trường khoảng 1 triệu đồng/kg. Anh Túc cho biết, lâu nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm cành và lá, chủ yếu là khách hàng trong tỉnh. Vừa rồi, một công ty dược liệu ở Đồng Nai đến đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. “So với cây cà-phê, cây xáo tam phân mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Hiện một số người dân địa phương đã đặt tôi ươm cây giống để mua về trồng; trong đó, có 2 hộ trong xã mua 3.000 cây giống của tôi để trồng”... anh Túc chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Yang Nguyễn Tường Duy nhận xét, anh Đinh Văn Túc là người chịu khó, luôn tiên phong trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp để mang lại nguồn thu nhập cao. Anh cũng là một trong những hội viên nông dân tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. Nhiều năm liền, anh được công nhận là hội viên nông dân sản xuất giỏi.