Liên kết sản xuất sầu riêng bền vững

Để cây sầu riêng phát triển bền vững và hình thành các vùng chuyên canh, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai khuyến khích người dân tham gia liên kết chuỗi, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ trái sầu riêng, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường tiềm năng.
0:00 / 0:00
0:00
Thương lái chọn mua sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu.
Thương lái chọn mua sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu.

Tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, anh Rơ Châm Uy cùng 13 hộ dân người Jơ Rai ở làng Phung, xã Ia Mơ Nông là một trong những nhóm hộ tiên phong trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học thay thế cho hóa học, góp phần bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Rơ Châm Uy chia sẻ, khi tham gia mô hình VietGAP được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học thay thế cho thuốc hóa học nên rất tốt cho môi trường và sức khỏe con người.

Năm 2023, gia đình ông Châu Văn Hận ở xã Ia Bang, huyện Chư Prông thắng lớn khi thu về hơn 2 tỷ đồng từ bán hơn 30 tấn sầu riêng Dona. Để chuyển sang trồng sầu riêng, ông Hận đã tìm hiểu kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao giúp vườn sầu riêng của ông Hận cho năng suất vượt trội.

“Năm nay, năng suất vườn sầu riêng nhà tôi dự kiến cao hơn năm trước, đạt khoảng 35 tấn, hiện đã có nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp liên hệ đặt mua, ký hợp đồng... Với giá bán hiện tại khoảng 80 nghìn đồng/kg, sau trừ chi phí, lợi nhuận có thể đạt khoảng 2,5 tỷ đồng”, ông Hận hồ hởi cho biết.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) Rah Lan Thanh cho biết, việc triển khai mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số Jơ Rai.

Trước đây, bà con chủ yếu trồng cây ăn trái theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi triển khai mô hình VietGAP, bà con được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất. Hiện toàn xã có khoảng 80 ha sầu riêng; trong đó, nhiều vườn cây đã thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Chư Prông hiện có khoảng 1.200 ha sầu riêng, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 710 ha, năng suất đạt 14,8 tấn/ha, sản lượng gần 11.000 tấn/năm. Trên địa bàn huyện cũng đã được cấp 8 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích khoảng 160 ha, tập trung tại thị trấn Chư Prông và các xã: Ia Bang, Ia Phìn, Ia Kly.

Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có gần 6.000 ha sầu riêng, trong đó diện tích đang cho thu hoạch chiếm khoảng 50%. Tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 16 mã số vùng trồng sầu riêng và đang xây dựng sầu riêng thành nông sản chiến lược…