Giảm nghèo bền vững, cách làm ở Tuy Đức

Huyện biên giới Tuy Đức có hơn 17 nghìn hộ dân, với 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43,66%. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hơn 85% số hộ dân có nguồn thu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, sau hơn 17 năm thành lập, Tuy Đức vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng của một huyện nghèo. Hiện tại địa phương đang đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo với những cách làm, giải pháp cụ thể để sớm ra khỏi danh sách huyện 30a của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các hộ nghèo ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được hỗ trợ bò giống.
Các hộ nghèo ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được hỗ trợ bò giống.

Với 5 sào đất vườn nhưng mỗi năm gia đình ông K’Hùng, ở xã Đắk Búk So cũng chỉ thu được một vụ sắn vào mùa mưa, vì vậy cái đói cứ đeo bám quanh năm. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, xã Đắk Búk So và Đồn Biên phòng Tuy Đức đã hỗ trợ gia đình ông K’Hùng 300 cây giống cà-phê, phân bón. Đồn Biên phòng Tuy Đức cử cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm xuống tận vườn hướng dẫn ông K’Hùng trồng, chăm sóc vườn cây. Đến năm 2023, cà-phê cho thu hoạch, đã tạo nguồn thu ổn định cho gia đình. Ông K’Hùng cho biết, nhờ được chính quyền địa phương, bộ đội giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất cho nên kinh tế gia đình đã từng bước phát triển, cuộc sống gia đình đã thoát khỏi cảnh khó khăn. Ngoài sản xuất cà-phê, gia đình còn đầu tư phát triển chăn nuôi, với quyết tâm thoát nghèo bền vững, để không còn là “gánh nặng” cho ngân sách nhà nước và địa phương.

Gia đình ông Điểu Đắk, ở bon Bu P’răng 1 vốn là hộ nghèo của xã Quảng Trực. Sau khi được Hội Nông dân huyện Tuy Đức hỗ trợ 300 cây giống mắc-ca, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, đến nay vườn cây đã cho thu hoạch ổn định, cho thu nhập với hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Điểu Đắk cho biết, gia đình có nhiều đất đai nhưng do không biết cách làm kinh tế, thiếu vốn đầu tư cho nên đói nghèo cứ đeo bám quanh năm. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ giống mắc-ca; được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, ông cùng với các hộ dân đã biết chăm sóc, đầu tư bài bản, đưa mắc-ca trở thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Cây mắc-ca đã giúp gia đình ông và nhiều hộ khác ở trong bon thoát nghèo.

Để triển khai việc hỗ trợ người dân, huyện Tuy Đức đã nghiên cứu điều kiện của từng hộ dân, từng bon, từng xã để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, thiết thực, hiệu quả, phát huy cao nhất mọi nguồn lực. Kết hợp chặt chẽ giữa giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Chú trọng đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt, huyện tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các bon đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề cấp thiết như nhà ở tạm bợ, không đủ tư liệu sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Đức Đinh Ngọc Nhân cho biết, mặc dù kết quả giảm nghèo hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tuy Đức vẫn còn cao. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện còn 18,78%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 31,39%. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân nghèo và tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp, huyện Tuy Đức đã huy động tổng lực các nguồn đầu tư từ nhiều chương trình, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế.

Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện Tuy Đức giảm 12%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 16,17%, tỷ lệ giảm nghèo của huyện đứng thứ hai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, chỉ sau huyện Đắk Glong ■