Ở làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, trên diện tích 3.500 m2, ngôi nhà của ông Lê Văn Sỹ, nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930) được tôn tạo theo kiến trúc nhà truyền thống cùng nhà bếp lợp tranh, sân, vườn, giếng nước.
Trong khuôn viên còn có Nhà truyền thống, diện tích 365 m2, trưng bày các hình ảnh, hiện vật giới thiệu về hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, sự ra đời của các chi bộ đảng, thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; đóng góp của tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ cách mạng cùng những thành tựu của tỉnh trong thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.
Bảo tồn di tích cách mạng
Theo Bí thư Đảng bộ xã Lê Văn Lực: Thọ Lập là nơi chở che, nuôi dưỡng nhiều đồng chí cách mạng tiền bối trong thời kỳ hoạt động bí mật trước năm 1945; nơi in báo “Tiến Lên”, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Làng Yên Trường, Phúc Bồi và 30 gia đình trong xã được công nhận có công với nước. Từ đầu năm 2023 đến nay có khoảng 5.000 lượt học sinh, học viên, cán bộ, đảng viên trong, ngoài tỉnh Thanh Hóa tham quan, tìm hiểu di tích.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải thông tin thêm: Trên địa bàn huyện có 13 di tích, cụm di tích cách mạng, trong đó có cụm di tích cách mạng quốc gia Xuân Minh. Nhiều điểm di tích, cụm di tích gắn liền với quá trình hoạt động của các thế hệ đảng viên, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ cách mạng được bảo tồn, xếp hạng.
Thanh Hóa là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, tỉnh đã vinh dự bốn lần đón Bác Hồ về thăm, là hậu phương lớn, chiến trường trực tiếp trong hai cuộc kháng chiến và bảo vệ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc.
Quá trình trùng tu, tôn tạo các di tích được nhân dân đồng tình ủng hộ; các gia đình tình nguyện chuyển tới nơi ở mới, tạo thuận lợi cho việc mở rộng khuôn viên, tạo cảnh quan, phát huy giá trị di tích. Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, kết nối các cơ sở giáo dục với các “địa chỉ đỏ”, quần thể di tích trên địa bàn.
Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm nay, tỉnh Thanh Hóa cùng huyện Thiệu Hóa hoàn thành tu bổ, tôn tạo, đưa vào khai thác di tích Trụ sở làm việc cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1967-1973. Trong thời gian cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa đóng, làm việc tại xã Thiệu Viên, nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm về vật chất, tinh thần; tham gia bảo mật, phòng gian, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan lãnh đạo của tỉnh.
Tại đây, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, lãnh đạo nhân dân thi đua sản xuất, chiến đấu, bẻ gãy các đợt leo thang đánh phá miền bắc của đế quốc Mỹ; nơi diễn ra lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thiệu Viên, Vũ Ngọc Hải cho hay: Từ khi đưa vào khai thác đến thời điểm này có khoảng 600 lượt cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, trong đó có các đoàn từ Hà Nội, tỉnh Phú Thọ đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục phát huy giá trị di tích cách mạng, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Thanh Hóa là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, tỉnh đã vinh dự bốn lần đón Bác Hồ về thăm, là hậu phương lớn, chiến trường trực tiếp trong hai cuộc kháng chiến và bảo vệ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc.
Trên địa bàn tỉnh có 143 di tích, điểm di tích cách mạng, trong đó có 34 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh, 49 điểm di tích đang xây dựng hồ sơ, đề cử xếp hạng.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phạm Văn Tuấn cho biết: Nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa quan tâm nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích, triển khai đầu tư tôn tạo, phục dựng, chống xuống cấp, phát huy giá trị di tích. Các di tích cách mạng trọng điểm như nơi thành lập ba chi bộ đảng đầu tiên ở Thanh Hóa: Hàm Hạ (Đông Sơn), Phúc Lộc (Thiệu Hóa), Yên Trường (Thọ Xuân), nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; rồi chiến khu Ngọc Trạo ở huyện Thạch Thành, các di tích, điểm di tích kháng chiến từng bước được trùng tu, tôn tạo. Giai đoạn 2010-2019, tỉnh Thanh Hóa bố trí 300 tỷ đồng ngân sách thực hiện trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cách mạng.
Bên cạnh các di tích, tỉnh đã đưa vào khai thác các công trình văn hóa, tưởng niệm gắn với những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm Thanh Hóa như Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ ở thành phố Thanh Hóa, Rừng Thông huyện Đông Sơn, khu lưu niệm ở phố Vinh Sơn, thành phố Sầm Sơn, ở xã Yên Trường, huyện Yên Định.
Hiện nay, quần thể di tích Hàm Hạ, Phúc Lộc, Yên Trường, Rừng Thông, các di tích kháng chiến tiếp được tỉnh tôn tạo, đưa vào khai thác, phát huy giá trị. Nhiệm kỳ này Thanh Hóa tiếp tục tu bổ, phục hồi thêm 20 di tích cách mạng; tăng cường, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; quản lý, điều hành của chính quyền trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cách mạng.
Công trình tôn vinh sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29/7/1930. |
Nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống
Xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa quan tâm biên soạn, đưa nội dung giáo dục truyền thống địa phương vào các hoạt động ngoại khóa ở bậc học phổ thông.
Tỉnh đã biên soạn, thẩm định, tập huấn, tổ chức dạy học 35 tiết giáo dục địa phương/năm học. Giáo dục kiến thức địa phương được tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động. Các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp lứa tuổi ở các bậc học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Ngoài tổ chức các hoạt động trải nghiệm: Em yêu lịch sử quê em, thi hát dân ca, thi kể chuyện về quê hương, đất nước, thi đánh giá nhận thức, hiểu biết về truyền thống địa phương qua chương trình truyền hình “Âm vang xứ Thanh”; nhiều địa phương, các cơ sở giáo dục còn tổ chức đa dạng hoạt động giáo dục địa phương dưới hình thức: sân khấu hóa, kể chuyện dưới cờ, “rung chuông vàng”, viết thu hoạch, thi trực tuyến, trả lời câu hỏi trắc nghiệm hay chuyển tải trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức tọa đàm, trao đổi, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, tổ chức về nguồn, báo công.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thọ Xuân, Lê Văn Tiến cho biết: Từ năm 2012, huyện đã biên soạn, tổ chức hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống địa phương ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm chính trị. Huyện còn tổ chức, công bố kết nạp Đảng, báo công, phát động thi đua tại Khu di tích cách mạng Yên Trường, duy trì hoạt động về nguồn, định hướng chính trị, động cơ phấn đấu cho thế hệ trẻ. Các di tích cách mạng dần trở thành điểm đến thường xuyên, gắn khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch mỗi địa phương, vùng miền.
Xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa quan tâm biên soạn, đưa nội dung giáo dục truyền thống địa phương vào các hoạt động ngoại khóa ở bậc học phổ thông.
Dù vậy, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền truyền thống địa phương; chậm quy hoạch, cập nhật, dẫn đến chồng lấn, thêm khó khăn, vướng mắc cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về công trình lịch sử, văn hóa, cách mạng chưa gắn trách nhiệm cụ thể; công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống địa phương chậm đổi mới.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Tạ Hồng Lựu cho biết: Cơ cấu đội ngũ bất cập, thiếu giáo viên đào tạo đúng bộ môn tham gia giảng dạy chương trình địa phương và các cơ sở giáo dục khó khăn về kinh phí tổ chức các cuộc thi, hoạt động trải nghiệm. Với bậc tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với các môn học, hoạt động trải nghiệm, nhưng một số giáo viên còn bỡ ngỡ, lúng túng.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cách mạng gắn với định hướng tư tưởng, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các cấp, các ngành huy động nguồn lực, chủ động đầu tư tu bổ, phục dựng, bảo quản di tích; xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền; chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ văn hóa các cấp, hướng dẫn viên.
Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích lịch sử cách mạng; tập trung đẩy mạnh việc biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử địa phương; tăng cường các hoạt động tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương gắn với tìm hiểu về các di tích lịch sử cách mạng thông qua các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời đổi mới phương pháp giáo dục địa phương trong chương trình học chính khóa và ngoại khóa, phù hợp với đối tượng học tập; ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; tạo thêm các sản phẩm văn hóa giới thiệu về di tích…
Theo đồng chí Đỗ Trọng Hưng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng, cần có sự quan tâm đúng mức của cả hệ thống chính trị. Qua đó kế thừa, phát huy giá trị trường tồn, thể hiện sự tri ân của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa ngày nay đối với sự hy sinh quả cảm của thế hệ cha ông một cách thiết thực và viết tiếp trang sử vàng truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng.