Qua đó phát huy giá trị di tích trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Dù vậy, việc lập quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch tổng thể di tích của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện còn chậm, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích.
Một số di tích chưa khoanh vùng, cắm mốc giới các khu vực bảo vệ theo quy định, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích, tranh chấp đất đai liên quan di tích vẫn xảy ra. Còn nhiều di tích trên địa bàn tỉnh chưa được xếp hạng, khoảng 170 di tích đã xuống cấp cần tu bổ.
Quản lý nhà nước về bảo quản, tu bổ, phục hồi một số di tích lịch sử-văn hóa ở một số huyện, thị xã chưa đúng quy định, có chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế; một số địa phương, ban quản lý sử dụng nguồn xã hội hóa, nguồn huy động hợp pháp khác nhưng nôn nóng, nhầm lẫn trong tu bổ phục hồi, làm biến dạng di tích; vẫn còn tình trạng tự ý đưa hiện vật, đồ thờ khống đúng quy định vào di tích…
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp vơi các ngành chức năng, UBND các huyện tăng cường kiểm tra việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; đề cao, phát huy vai trò giám sát cộng đồng nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục sai sót.
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị các huyện phối hợp với ngành chủ quản, các sở, đơn vị liên quan sớm hoàn thành cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiên quyết thu hồi đất di tích bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện nghiêm quy định pháp luật về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; giữ gìn cảnh quan môi trường, cảnh quan di tích, bảo vệ tính nguyên gốc, phát huy giá trị di sản.