Trước đây, ngân sách nhà nước bố trí cho việc sửa chữa, chống xuống cấp di tích là chính. Giai đoạn nêu trên, nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đầu tư, hỗ trợ chống xuống cấp di tích của tỉnh tập trung đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Mặt khác, Thanh Hóa thực hiện xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực trong xã hội cho việc tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích. Trong tổng 1.465 tỷ 749 triệu đồng sử dụng cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích, nguồn huy động xã hội hóa đạt 516 tỷ đồng. Dù vậy, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có khâu chưa đúng quy định, không theo thiết kế được phê duyệt. Còn tình trạng chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, đưa hiện vật, đồ thờ không phù hợp vào di tích; tổ chức các hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống có lúc, có nơi còn pha trộn với hoạt động tôn giáo. Kinh phí đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, dàn trải. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng, tiến độ thực hiện dự án chưa thường xuyên; phát hiện, xử lý các vi phạm chưa kịp thời, kiên quyết. Nhân lực quản lý di sản, thiết chế văn hóa cơ sở, tham gia công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế.
Các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước, giám sát hoạt động văn hóa kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa 17 sớm ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử,văn hóa; tăng nguồn, mức hỗ trợ di tích xuống cấp trầm trọng, ưu tiên các di tích cách mạng, các dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích đã được phê duyệt; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng vốn xã hội hóa công khai, minh bạch, hiệu quả. Các địa phương kiểm kê, phân loại, khoanh vùng cắm mốc quản lý di tích; phối hợp kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm chấn chỉnh sai sót, xử lý nghiêm hành vi đưa hiện vật, đồ thờ không phù hợp vào di tích, lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích, vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản.