Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 là cần thiết

NDO - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi đối với công dân Việt Nam không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sáng 23/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thêm gần 800 nghìn người được hưởng

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) bày tỏ tán thành đối với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Theo đó, tại khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.

Đại biểu nhấn mạnh, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội là một chính sách hết sức nhân văn, được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi.

"Với quy định như vậy đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28. Từ đó, phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội", đại biểu Huế nói.

Đại biểu đoàn Bắc Kạn cũng cho biết, đối với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì việc hạ độ tuổi giúp họ có khoản trợ cấp hằng tháng để cải thiện cuộc sống, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh.

Đại biểu ước tính, hiện nay có khoảng 1,5 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đang được hưởng trợ cấp xã hội. Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi sẽ có thêm khoảng gần 800 nghìn người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Để thực hiện chính sách này, kinh phí phát sinh thêm mỗi năm ước tính khoảng 3.456 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cũng bày tỏ nhất trí với việc điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, cho rằng đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri. "Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi với quy định trên", đại biểu nói.

Làm sao để “dẹp nạn” trốn đóng bảo hiểm xã hội?

Góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) phản ánh tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 là cần thiết ảnh 1

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, cần chỉnh sửa, bổ sung khoản 4, khoản 5, Điều 37 theo hướng: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng, thì không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội, mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội, mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Không nên rút hết bảo hiểm xã hội một lần

Về bảo hiểm xã hội một lần (Điều 70), đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) nêu quan điểm, cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn bảo đảm để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc.

Đại biểu Kiều đề nghị thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Nguồn vốn này sẽ được lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Thể hiện sự băn khoăn về phản ứng của người lao động về việc rút hay không rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ quan điểm, bảo hiểm xã hội là chỗ dựa cơ bản của người lao động khi tuổi cao sức yếu và không thể làm ra của cải, vật chất để nuôi mình.

Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 là cần thiết ảnh 2

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Thực tế hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, không phải ai cũng có chỗ dựa vững chắc và người thân, gia đình khi về già. Vì thế, Nhà nước cần có một giải pháp để bảo đảm và quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí là quy định bắt buộc để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa cho tuổi già của mình và không để là một gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Cụ thể, Nhà nước cần tác động mạnh bằng chính sách, bằng công tác tuyên truyền nhằm thuyết phục, tạo niềm tin cho người lao động.

Tuy nhiên, do trình độ lao động và nhận thức khác nhau, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội với các loại hình bảo hiểm xã hội khác.

Thậm chí, nội dung tuyên truyền không rõ ràng, với tần suất “mọi lúc mọi nơi” khiến nhiều người dân còn hiểu nhầm đây là một khoản đầu tư sinh lời trong tương lai.

Đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ tán thành với đề xuất của đại biểu Tô Văn Tám và đại biểu Phạm Văn Hòa. Theo đó, nếu được phép rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động chỉ được rút phần của mình đóng, phải giữ lại phần tổ chức đóng. “Giữ lại là để bảo đảm tuổi già cho chính người lao động” - đại biểu nói.