Khó khăn trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở 8 địa bàn miền trung

Hiện nay, bảo hiểm xã hội 8 tỉnh, thành phố khu vực miền trung đều đang gặp khó khăn trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động đến giao dịch tại Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Anh Đào)
Lao động đến giao dịch tại Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Anh Đào)

Chiều 20/11, tại Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi làm việc với bảo hiểm xã hội 8 tỉnh, thành phố khu vực miền trung về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và lãnh đạo bảo hiểm xã hội 8 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Bình, Đắk Nông, Quảng Nam.

Báo cáo của lãnh đạo bảo hiểm xã hội các địa phương cho thấy, hiện nay, bảo hiểm xã hội 8 tỉnh, thành phố khu vực miền trung đều đang gặp khó khăn trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình. Nhiều tỉnh số người cần phát triển còn rất lớn mới hoàn thành được chỉ tiêu của năm 2023.

Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội khó khăn. Tỷ lệ sử dụng dự toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở hầu hết các tỉnh đều đã ở mức cao, một số tỉnh đã gần sử dụng hết nguồn của năm 2023.

Bảo hiểm xã hội 8 tỉnh, thành phố khu vực miền trung đều đang gặp khó khăn trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình. Nhiều tỉnh số người cần phát triển còn rất lớn mới hoàn thành được chỉ tiêu của năm 2023.

Lãnh đạo bảo hiểm xã hội 8 địa phương đã phân tích nguyên nhân và nêu các giải pháp cụ thể; đồng thời cam kết hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Theo đó, về bảo hiểm xã hội bắt buộc, lãnh đạo, bộ phận thu sẽ tăng cường bám cơ sở, đến từng đơn vị sử dụng lao động, truyền thông, vận động, tổ chức các hội nghị đối thoại; thành lập các tổ rà soát, tăng cường công tác thanh tra; rà soát dữ liệu thuế; giảm số nợ đọng, chậm đóng…

Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, thực hiện giao chỉ tiêu cho các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn: Bưu điện, Viettel, các tổ chức khác; tổ chức lễ ra quân, tổ chức hội nghị truyền thông, khách hàng; tham mưu địa phương có thêm các chính sách hỗ trợ…

Về bảo hiểm y tế, khẩn trương rà soát các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế gửi (Nghị định số 75), gửi danh sách và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai hỗ trợ đến từng quận, huyện; tham mưu, huy động thêm các nguồn lực trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm yếu thế được tham gia; rà soát dữ liệu thuế…

Về kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bộ phận giám định, bảo hiểm xã hội các quận huyện sẽ bám sát biến động số chi hằng ngày để có cảnh báo kịp thời cho các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, tập trung vào các cơ sở có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi, bất thường; kiên quyết xuất toán các chi phí sai quy định.

Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ Dương Văn Hào đánh giá, trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong những tháng cuối năm, bảo hiểm xã hội các tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến việc rà soát dữ liệu thuế. Trong quá trình rà soát, nếu thấy có vấn đề về đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với dữ liệu thuế thì bảo hiểm xã hội tỉnh có thể tham mưu để thành lập đoàn kiểm tra giữa 2 ngành. Nếu doanh nghiệp không ký kết hợp đồng với người lao động, bảo hiểm xã hội tỉnh cần báo cáo đến Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cấp tỉnh để lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo, phối hợp giải quyết.

Hiện nay, tại nhiều địa phương các tổ chức dịch vụ thu chưa có kinh nghiệm, hiệu quả hoạt động chưa cao, bảo hiểm xã hội tỉnh cần khẩn trương đánh giá lại hoạt động các tổ chức dịch vụ thu, nhân viên thu trên cơ sở tài liệu khung của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành, sau đó tiến hành tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng. Bảo hiểm xã hội các tỉnh cũng cần xây dựng mối quan hệ 3 bên giữa cơ quan bảo hiểm xã hội, tổ chức dịch vụ thu và Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cấp xã. Đồng thời, tập trung phát triển nhóm người dân làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Tại 8 tỉnh miền trung, thời gian qua, kết quả phát triển nhóm này còn thấp, trong khi đây là nhóm đông đảo trên địa bàn và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Lê Văn Phúc thông tin thêm về tình hình sử dụng kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa phương. Ông Phúc cũng lưu ý việc thực hiện Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ về quyền lợi, thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Đại diện Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế lưu ý các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Quảng Bình về tình hình vượt dự toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Khó khăn trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở 8 địa bàn miền trung ảnh 1

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: VSS)

Kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, bảo hiểm xã hội các tỉnh phải quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đặc biệt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế phải hoàn thành và bền vững, toàn quốc đạt hơn 93% dân số, vượt chỉ tiêu của Chính phủ, Quốc hội giao. Bảo hiểm xã hội các tỉnh tiếp tục tăng cường các giải pháp giảm nợ, hoàn thành nhiệm vụ thu, để đạt mục tiêu kép vừa bảo đảm quyền lợi tham gia cho người lao động, vừa bảo đảm bền vững các quỹ.

Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Về bảo hiểm y tế, cần chú ý trong điều hành sử dụng dự toán và thanh toán theo Nghị định số 75 của Chính phủ mới ban hành đạt mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống trục lợi.

Về giải pháp, Tổng Giám đốc yêu cầu, bảo hiểm xã hội tỉnh bám sát kịch bản của ngành, nhưng cần nghiên cứu, đánh giá, áp dụng linh hoạt với tình hình địa phương; tăng cường vai trò, hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp tại địa phương, nhất là trong những tháng cuối năm, quyết liệt từ tỉnh đến huyện, xã. Đẩy mạnh phối hợp giữa bộ phận thu và thanh tra để thực hiện hiệu quả công tác thanh tra đột xuất với các đơn vị nợ; tiếp tục rà soát hiệu quả dữ liệu thuế, phối hợp với cơ quan công an; theo dõi sát tình hình biến động lao động trên địa bàn trong những tháng cuối năm…

Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tập trung vào các nhóm tiềm năng, tham mưu, huy động thêm các nguồn hỗ trợ từ xã hội, doanh nghiệp. Bên cạnh các nhóm tiềm năng từ trước thì cần quan tâm đến các nhóm vừa được hỗ trợ theo Nghị định số 75, những người này được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế rồi thì cần truyền thông để họ tham gia thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trong phát triển bảo hiểm y tế cũng cần bám sát các kịch bản của ngành; rà soát các nhóm được hỗ trợ theo Nghị định số 75; đồng thời huy động thêm các nguồn hỗ trợ khác.