Xuất phát từ đó, Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân lồng ghép phong trào vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới; vận động hội viên, nông dân thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững. Nhiều nông dân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn thực hiện tốt việc giúp đỡ các hộ nghèo cây giống, mô hình chăn nuôi nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Rời quê hương Thanh Hóa vào huyện Đăk Hà lập nghiệp, anh Lương Văn Thủy xây dựng mô hình kinh tế đa canh với cây cà-phê, hồ tiêu kết hợp trồng xen cây ăn trái và rau màu, cây dược liệu với phương châm lấy ngắn nuôi dài... Từ mô hình này, anh Thủy thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí, giúp gia đình thoát cảnh nghèo đói, trở nên có của ăn của để.
Ngoài ra, anh còn là người gương mẫu đi đầu trong phong trào nông dân chủ động tiếp cận các chủ trương của tỉnh, huyện gắn với thế mạnh của địa phương để cải tạo vườn tạp, xen canh và phát triển các loại cây dược liệu. Hiện nay, anh đã giúp bà con thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk phát triển hàng chục héc-ta dược liệu tại địa bàn, đồng thời thuê lại đất dôi dư của các địa phương khác đưa cây gừng vào trồng xen. Từ cách làm trên, anh Thủy đã giúp đời sống của nhân dân địa phương từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng nhiều.
Hộ gia đình chị Y HLạng thuộc Chi hội nông dân thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông có ba nhân khẩu, canh tác 0,6 ha cà-phê, 1 ha sâm dây, 1.000 gốc sâm Ngọc Linh và kinh doanh sâm dây, lá sâm Ngọc Linh, cho thu nhập hằng năm hơn 600 triệu đồng.
Thời gian qua, gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho năm lao động tại địa phương với thu nhập năm triệu đồng/người/tháng. Với tinh thần tương thân tương ái, hai năm gần đây, gia đình chị Y HLạng đã giúp đỡ một số hộ nghèo tại thôn Pu Tá mua giống sâm dây trị giá 10 triệu đồng/năm/hộ để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ kết quả đạt được của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển rộng khắp phong trào trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư, chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại; góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu; phấn đấu hằng năm số hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng từ 10-15%; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 3-4%/năm.
Trưởng phòng Kinh tế-Xã hội (Hội Nông dân tỉnh) Lê Văn Thanh cho biết, để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, đơn vị tiếp tục vận động nông dân phát huy nội lực trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư; tận dụng thế mạnh của từng địa phương, đơn vị cơ sở, từng hộ gia đình để thúc đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; vận động cán bộ, hội viên nông dân đoàn kết giúp đỡ nhau trên tinh thần tương thân, tương ái, hộ giàu giúp đỡ hộ nghèo.
Hằng năm, mỗi hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ ít nhất 2 đến 3 hộ nghèo, mỗi Chi hội giúp đỡ ít nhất từ 3 đến 4 hộ nghèo về giống, vật tư, kinh nghiệm sản xuất, để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.