Người “nối dài” tiếng chiêng

Dù đã qua 90 mùa rẫy, nhưng Nghệ nhân cồng chiêng Cil Ha Ôn ở xã Đạ Sar, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, vẫn đau đáu với tiếng chiêng, thanh âm không thể thiếu trong những dịp vui, chuyện buồn, mùa hội trên miền đất Tây Nguyên:
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Cil Ha Ôn được huyện Lạc Dương tôn vinh “Gương sáng đời thường” giai đoạn 2018-2023.
Nghệ nhân Cil Ha Ôn được huyện Lạc Dương tôn vinh “Gương sáng đời thường” giai đoạn 2018-2023.

“Sức khỏe kém rồi, cái tai không còn tốt, mình phải cố gắng hơn để nhiều lớp trẻ của người Cơ Ho biết đánh chiêng, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình”, ông nói.

Sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa cồng chiêng, từ thuở nhỏ, cậu bé Ha Ôn đã thấm tiếng cồng, tiếng chiêng. Thanh âm đại ngàn đã nuôi nấng tâm hồn Ha Ôn, để rồi ông tự nhiên đắm say với tiếng cồng chiêng và ước muốn “nối dài” tiếng chiêng ngân cho nhiều thế hệ của đồng bào mình. Ha Ôn kể, năm 10 tuổi, ông thường xuyên theo bố mẹ tham gia các lễ hội mừng lúa mới, cúng thần núi, thần nước và trong những mùa hội của buôn làng.

Lớn lên, Ha Ôn thường được theo các già làng, nghệ nhân đi chơi chiêng ở nhiều nơi trong tỉnh, như huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh… Nhờ năng khiếu, lòng đam mê và sự truyền dạy của các thế hệ đi trước, qua vài mùa lễ hội, Ha Ôn đã biết chơi chiêng thuần thục và biết khá nhiều điệu chiêng truyền thống của người Cơ Ho.

Nay đã bước qua tuổi 90, cái chân không còn nhanh, cái tay không còn dẻo, cái tai không còn nghe tốt như thời sung sức, nhưng nhận thấy tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào mình có nguy cơ mai một, Ha Ôn cùng một số nghệ nhân tại địa phương tiếp tục kiên trì, tích cực vận động con, cháu dòng họ và người dân trong buôn làng tham gia học đánh chiêng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngàn đời trên miền đất đại ngàn.

Nhiều năm qua, ông đã mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trong vùng. Hiện ông truyền dạy cồng chiêng cho 30 người, cả nam và nữ, là đoàn viên, thanh niên dân tộc Cơ Ho đến từ các thôn, buôn thuộc xã Đạ Sar. Lớp học này thuộc dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp huyện Lạc Dương tổ chức.

Với những đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2013, Ha Ôn được ngành văn hóa tỉnh trao chứng nhận Nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng.

Nghệ nhân Ha Ôn chia sẻ: “Mình mong muốn thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống văn hóa của cha ông và lưu truyền mãi”. Tham gia lớp cồng chiêng của Ha Ôn, thanh niên được truyền dạy các điệu chiêng, kỹ thuật đánh và diễn tấu, phong cách trình diễn. Kết thúc khóa học, học viên đều biết đánh thành thạo và diễn tấu được ít nhất từ 3 đến 4 bài chiêng cơ bản.

Ông Krajăn Ha Nrang, cán bộ văn hóa xã Đạ Sar cho biết, từ sự chỉ dạy của nghệ nhân Cil Ha Ôn và một số nghệ nhân khác, nhiều thanh niên trong xã đã chơi được nhiều bài chiêng của dân tộc mình.

Đến nay, xã Đạ Sar đã thành lập được đội cồng chiêng và thường xuyên tham gia diễn tấu trong các sự kiện do xã và huyện tổ chức. Đây là niềm vui của xã khi vẫn tiếp nối được mạch nguồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Ho trên địa bàn.

Cùng với đội cồng chiêng xã Đạ Sar, toàn huyện Lạc Dương còn có 5 đội cồng chiêng và hơn 10 nhóm cồng chiêng ở các xã, thị trấn và khu du lịch LangBiang, Làng Cù Lần, Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Từ đây, tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn cất lên khi những bếp lửa rực hồng, phục vụ người dân địa phương và du khách đến giao lưu.

Điều đáng chú ý,nhiều thành viên trong các đội, nhóm cồng chiêng này đều từng tham gia lớp truyền dạy của nghệ nhân Cil Ha Ôn. “Lớp trẻ đã thấu hiểu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mình vui lắm. Tiếng cồng, tiếng chiêng của người Cơ Ho rồi sẽ ngân vang mãi”, nghệ nhân Ha Ôn bày tỏ.