Ngôi nhà trí tuệ

Với mong muốn bồi dưỡng thêm kiến thức cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo hứng thú học tập, vợ chồng thầy Mai Văn Chuyền và cô Vũ Thị Nhung ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk đã xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” ngay trong khu đất của gia đình. Đến với ngôi nhà này, các em được học tập, đọc sách, được trang bị các kỹ năng sống và tham gia các hoạt động thể thao miễn phí, giúp các em có thêm niềm tin, kiến thức và nghị lực để vươn lên trong học tập và cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Ngôi nhà trí tuệ của vợ chồng thầy Chuyền, cô Nhung ở xã Quảng Hiệp.
Ngôi nhà trí tuệ của vợ chồng thầy Chuyền, cô Nhung ở xã Quảng Hiệp.

Chúng tôi ghé thăm Ngôi nhà trí tuệ của vợ chồng thầy Chuyền, giáo viên môn Giáo dục thể chất kiêm Tổng phụ trách đội, Trường trung học cơ sở Ngô Mây, xã Ea M’Droh, khi thầy đang cùng với học sinh tập luyện rô-bốt để tham gia Ngày hội STEM cấp tiểu học và trung học cơ sở tỉnh Đắk Lắk lần thứ II-năm 2024. Thầy Chuyền cho biết, Ea M’Droh là xã nghèo nhất nhì huyện Cư M’gar, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, các em còn nhút nhát, e dè, khả năng ứng xử còn hạn chế.

Thêm nữa, thầy Chuyền và các giáo viên nhà trường luôn trăn trở việc một số học sinh do học lực yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu dụng cụ học tập, sách giáo khoa… phải bỏ học giữa chừng. Vì vậy, để ôn luyện, bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh, giúp các em phát huy sở thích, điểm mạnh của bản thân, tự tin, yêu thích tới trường, thầy Chuyền tổ chức nhiều phong trào, sân chơi, như câu lạc bộ cờ vua, câu lạc bộ đẩy gậy, thư viện sách cho học sinh sinh hoạt... Thầy Chuyền và một số giáo viên trong trường còn phối hợp cùng Đoàn xã Ea M’Droh mượn hội trường thôn để tổ chức và duy trì lớp học miễn phí mang tên “Lớp học yêu thương”, nhằm ôn luyện cho học sinh có học lực yếu, giúp các em tự tin đến lớp, tiến bộ trong học tập; nhờ đó, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm hẳn.

Thấy học sinh đến học ngày càng đông, nhưng hội trường thôn lại chật, không có không gian vui chơi và không thể bố trí sách để đọc vì không có người quản lý, thầy Chuyền bàn với vợ sử dụng vườn nhà để xây dựng Ngôi nhà trí tuệ. “Đây là mô hình mới và đã được triển khai ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh cho nên khi tôi đề cập thì vợ tôi đồng ý ngay”, thầy Chuyền chia sẻ.

Được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi và các đoàn viên, thanh niên xã hỗ trợ về ngày công lao động, vợ chồng thầy Chuyền đã bỏ ra khoảng 150 triệu đồng mua vật liệu về xây dựng Ngôi nhà trí tuệ, trang thiết bị phục vụ học sinh học tập.

Qua hơn ba năm đi vào hoạt động, tại Ngôi nhà trí tuệ, nhiều hoạt động bổ ích diễn ra, như mở các lớp học Tiếng Anh, Tiếng Việt, Toán... cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 miễn phí. Để thu hút học sinh đến học tập và vui chơi, các thầy cô còn tổ chức các lớp năng khiếu như dạy đánh cờ vua, bóng bàn, bi lắc, võ thuật, các hoạt động STEM..., giúp các em vui vẻ và hào hứng mỗi khi đến lớp. Vào dịp hè, thầy Chuyền còn mở các lớp truyền dạy kỹ năng sống, như kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, chăm sóc tuổi dậy thì, hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả, kỹ năng phòng chống đuối nước...

Tại đây, còn có “Tủ sách nhân ái”, với hơn 2.000 đầu sách để học sinh và cha mẹ các em đến đọc hoặc mượn về nhà đọc. Thầy Chuyền cho biết: “Ở nông thôn, phần lớn các gia đình do bận việc nương rẫy cho nên nhiều người chẳng mấy khi trò chuyện, hoặc đưa con đi chơi mà phó mặc con cái với điện thoại, máy tính. Từ khi có Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái đến nay, ngày cuối tuần, nhiều gia đình đưa nhau đến đây vừa chơi, vừa đọc sách, nhờ đó, gắn kết thêm tình cảm gia đình và con trẻ có thêm sự hiểu biết”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ mới có mô hình Ngôi nhà trí tuệ của thầy Chuyền ở xã Quảng Hiệp. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng thầy Chuyền mong muốn tiếp tục xây dựng Ngôi nhà trí tuệ thành không gian học tập suốt đời cho học sinh và người dân địa phương. Trong thời gian tới, thầy Chuyền còn dự định mở thêm các lớp dạy Tin học miễn phí cho cựu chiến binh, nông dân, công nhân các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, tạo dựng thêm không gian khởi nghiệp cho thanh niên địa phương.