Giải pháp ngoại giao cho căng thẳng tại châu Âu

Thúc đẩy đối thoại và sử dụng giải pháp ngoại giao để ngăn chặn một tính toán sai lầm nghiêm trọng có thể hủy hoại Ukraine, Nga và phần còn lại của châu Âu là những thông điệp quan trọng đã được lãnh đạo nhiều nước phương Tây nhấn mạnh tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức.

Quang cảnh Hội nghị An ninh Munich tại Munich, Đức, ngày 19/2/2022. Ảnh: REUTERS
Quang cảnh Hội nghị An ninh Munich tại Munich, Đức, ngày 19/2/2022. Ảnh: REUTERS

Hội nghị An ninh Munich năm nay diễn ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng trong quan hệ Nga và phương Tây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại về nguy cơ quân sự đối với Ukraine.

Đầu tuần qua, các Bộ trưởng Tài chính của khối đã để ngỏ các lệnh trừng phạt kinh tế mang lại “hậu quả lớn và ngay lập tức” cho Nga. Trong khi đó, Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc của phương Tây là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không đe dọa bất kỳ quốc gia nào.

Theo Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía đông cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga. Sau cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) vừa qua tại Moskva, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh, Nga “tất nhiên không muốn chiến tranh” và sẵn lòng tìm kiếm giải pháp với phương Tây.

Trong khi đó, bất chấp tình hình Ukraine nóng như “thùng thuốc súng chờ phát nổ”, lãnh đạo các nước châu Âu vẫn tin tưởng vào giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng Nga-phương Tây. Bên lề Hội nghị An ninh Munich, hôm 19/2, các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm 7 nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành cuộc họp khẩn, ra tuyên bố chung hướng tới tháo ngòi nổ căng thẳng tại châu Âu.

Lãnh đạo các quốc gia chủ chốt ở châu Âu đều đánh giá cao cơ hội hóa giải căng thẳng với Nga thông qua “cánh cửa ngoại giao”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, có những dấu hiệu quan trọng cho thấy vẫn còn cơ hội giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay với Nga thông qua kênh ngoại giao. Phát biểu trong một phiên thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Scholz nói: “Bất chấp mọi bất đồng... chúng ta có chỉ dấu quan trọng rằng có sự ủng hộ cho các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí, về vấn đề minh bạch”.

Trong thông cáo báo chí trước chuyến tham dự Hội nghị An ninh Munich của Thủ tướng Anh Boris Johnson (B.Giôn-xơn), Thủ tướng Anh khẳng định “ngoại giao có thể vẫn là giải pháp chính” và các nước cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn một tính toán sai lầm nghiêm trọng có thể hủy hoại Ukraine, Nga và phần còn lại của châu Âu.

Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị An ninh Munich tại Đức, NATO cũng phát đi những tín hiệu đề cao giải pháp đối thoại để giải quyết mâu thuẫn với Nga. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (G.Xtôn-ten-bớc) cho biết, ông đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (X.La-vrốp) đề nghị tham gia đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, dù nhấn mạnh giải quyết căng thẳng với Nga thông qua đối thoại và ngoại giao, các nước phương Tây vẫn tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn và sẵn sàng trừng phạt Moskva, nếu các nỗ lực đàm phán bất thành. Thủ tướng Scholz trong phát biểu hôm 19/2 cảnh báo phương Tây sẵn sàng “lập tức đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt Nga” trong trường hợp xảy ra hành động quân sự với Ukraine.

Về phía Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (C.Ha-rít) hôm 19/2 đã lên tiếng trấn an các đồng minh tại châu Âu, khẳng định Mỹ đã chuẩn bị các biện pháp kinh tế nhằm mục tiêu vào các tổ chức tài chính và các ngành công nghiệp chủ chốt của Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ củng cố hơn nữa sườn phía đông của NATO.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, căng thẳng quan hệ Nga-phương Tây không đơn thuần là vấn đề Ukraine. Hiện nay, trật tự quốc tế thời hậu chiến tranh lạnh với Mỹ là cường quốc đơn cực đã kết thúc. Nhiều quốc gia, trong đó có Nga cũng đang tìm cách định vị và “viết lại các quy tắc của trật tự quốc tế”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay tại châu Âu có thể định hình lại toàn bộ trật tự quốc tế.

Tuy vậy, trừng phạt và đối đầu sẽ chỉ “thêm dầu vào lửa” mà không thể giải quyết mâu thuẫn Nga-phương Tây. Vì thế, cách duy nhất để “chung sống hòa bình” là các bên tăng cường đối thoại, hợp tác để cùng xây dựng một trật tự thế giới mới với các quy tắc phù hợp lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.