Gặp người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa

Được vinh dự trực tiếp tham gia vào những thời khắc hào hùng của Cách mạng Tháng Tám 1945, đến nay dù tuổi đã cao, ông Lê Đức Vân, Trưởng ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vẫn nhiệt tình truyền lửa cho thế hệ trẻ qua những câu chuyện lịch sử đầy sinh động, hấp dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lê Đức Vân (ngồi giữa) trong một buổi nói chuyện với các đoàn viên, thanh niên.
Ông Lê Đức Vân (ngồi giữa) trong một buổi nói chuyện với các đoàn viên, thanh niên.

Tôi được gặp ông Lê Đức Vân, Trưởng ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cách đây hơn 10 năm, khi ông ngoài 80 tuổi, khi thì tại ngôi nhà giản dị trong phố Hồng Mai, lúc tại những buổi nói chuyện của ông với các bạn trẻ về lịch sử cách mạng. Thật may mắn là năm nay đã hơn 90 tuổi, nhưng ông vẫn còn tinh anh lắm.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Năm ấy, khi còn là một cậu thanh niên đang học tại Trường Bưởi, tôi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại Thủ đô. Một năm sau, tôi được đồng chí Lê Quang Đạo (Nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng thành phố Hà Nội giai đoạn 1943-1944) cho đi học lớp huấn luyện đào tạo đảng viên tại Cẩm Giàng, tỉnh Hải Hưng (cũ)”.

Trước yêu cầu của lịch sử, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập vào tháng 8/1944 tại số nhà 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thời điểm đó có khoảng 60 thành viên hoạt động bán công khai, thực hiện nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, chuyền tay các tin tức cách mạng, kết hợp tổ chức các cuộc mít-tinh, biểu tình trong công sở, trường học...

Ông cho hay, thành công vang dội của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là việc xung kích phá cuộc mít-tinh tuyên truyền cho chính quyền bù nhìn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17/8/1945. Sự kiện đó đã trở thành cuộc biểu tình tuần hành của quảng đại quần chúng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa ngày 19/8/1945 thành công.

Ông Vân cho biết, ông được đồng chí Lê Quang Đạo giao cho nhiệm vụ phụ trách một tờ báo của nam, nữ thanh niên thành Hoàng Diệu lấy tên là Hồn Nước để thực hiện chủ trương: “Mỗi thành phố lớn phải có một ban thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên” của Thường vụ Trung ương Đảng. Tham gia làm báo Hồn Nước gồm năm người, trong đó ông Vân phụ trách phần nội dung, tổ chức in ấn và phát hành. Ban đầu Hồn Nước ra mỗi số hai trang, in khoảng một trăm đến hai trăm tờ, có các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu...

Ông Vân chia sẻ: “Khi bắt tay vào in đá li-tô, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì chưa ai có kinh nghiệm, nhưng rồi mày mò mãi cũng in ra được tờ báo số 2 bằng kỹ thuật này. Mỗi lần in phải mài tấm đá rất kỹ rồi viết ngược chữ lên tấm đá bằng thứ mực đặc biệt, sau đó lau bằng nước chanh cho sạch rồi mới lau bằng nước đường để cho mực in không dính lên mặt đá, rồi lăn mực in, sau đó đặt giấy lên và lăn. Nếu làm thành công thì một lần sẽ in được 70 tờ báo với hai mặt in. Muốn có nhiều bản, chúng tôi phải in đi in lại nhiều lần và mỗi lần phát hành khoảng 200 tờ”.

Tại làng Giáp Nhất, tờ báo Hồn Nước được in ba số là số 2, số 3, số 4, sau phải chuyển địa điểm do bị lộ. Cho đến tờ báo số 6 in ra chưa kịp phát hành thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Sau đó, tờ báo Hồn Nước được in bằng máy in và là cơ quan của nam, nữ thanh niên Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc.

Nguy hiểm nhất vẫn là công đoạn phát hành tờ báo và truyền đơn. Những người thực hiện nhiệm vụ này thường đi theo nhóm, mỗi nhóm ba người và được phân công công việc cụ thể: Một người cảnh giới, một người phết hồ làm bằng bột gạo nếp vào tường, người còn lại áp truyền đơn, báo Hồn Nước lên đó. Báo Hồn Nước cùng với truyền đơn của Việt Minh khi đó được dán tại những nơi đông người qua lại như cổng chùa Láng, các đình làng Quan Nhân, Chính Kinh, đình làng Hạ Yên Quyết và Thượng Đình... Tờ báo cùng với các loại truyền đơn, tài liệu, áp-phích đã góp phần cổ vũ thanh niên Hà Nội nói riêng, nhân dân Thủ đô nói chung đứng lên giành chính quyền. Hiện nay, một số báo của tờ Hồn Nước vẫn còn được lưu lại tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Sau này, dù đã nghỉ hưu, ông Lê Đức Vân vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động, nhất là đi truyền lửa cho thế hệ trẻ hiểu hơn về những thời khắc hào hùng của Cách mạng Tháng Tám 1945, để nhân lên tình yêu nước và tinh thần cách mạng bất diệt của dân tộc.