Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Đăng Khoa)
Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Đăng Khoa)

Gặp gỡ những gương mặt có công tiêu biểu

NDO - Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023 là dịp gặp gỡ nhiều gương mặt Anh hùng, người có công tiêu biểu trong những cuộc kháng chiến của đất nước đến từ mọi miền Tổ quốc. Họ thực sự là những nhân chứng, những tấm gương đáng tự hào của một thời khói lửa.

NHỮNG GƯƠNG MẶT ANH HÙNG
CỦA MỘT THỜI KHÓI LỬA

Dù đã 76 tuổi, người gầy nhỏ, nhưng trong ký ức của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn giữ vẹn nguyên những ký ức hào hùng của một thời tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Gặp gỡ những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 1

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)

Anh hùng Nguyễn Thị Lài tham gia du kích ở tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 18 tuổi. Từ tháng 2/1967 đến tháng 4/1975, bà có nhiều năm là chiến sĩ an ninh vũ trang thành phố Huế, chiến sĩ an ninh vũ trang Ty An ninh Thừa Thiên.

Sau ngày hòa bình lập lại, bà có nhiều năm công tác tại Công an thành phố Huế, thuộc Công an tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 6/1976, bà được Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bà cũng đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Tiêu biểu như: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, Huy hiệu Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường…

Cũng đến từ mảnh đất Thừa Thiên Huế, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đức Vai, người dân tộc Pa Cô, cũng là một thương binh với tỷ lệ thương tật 42%. 83 tuổi, ông là một trong những người lính dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền nam được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang từ năm 1965.

Gặp gỡ những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 2

Các đại biểu người có công tiêu biểu của Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đăng Khoa)

Anh hùng Hồ Đức Vai cũng từng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ. Trong gia đình ông có đến 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang. Họ là biểu tượng sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng thời là tấm gương cho sự chiến đấu ngoan cường, mưu lược một thời của dân tộc Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên tự nguyện mang họ Hồ để về phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Tên của ông cũng được Bác Hồ đặt.

Cá nhân Anh hùng Hồ Đức Vai đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương như: hai Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Hai; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết; 3 Huân chương niên hạn 1, 2, 3 và rất nhiều bằng khen và huy hiệu khác…

Gặp gỡ những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 3
Ảnh: Đăng Khoa.

Một Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân người Pa Cô nổi danh khác là bà Hồ Thị Đơm, 83 tuổi. Bà đồng thời cũng là bệnh binh với tỷ lệ thương tật 61%;, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với nhiều chiến công hiển hách, nữ Anh hùng đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Tiêu biểu như: Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; nhiều bằng khen và huy hiệu khác. Năm 1994, bà vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Dự Hội nghị lần này còn có nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang kiên trung. Phan Thị Ngọc Tươi, Là một thương binh, bà đã từng bị địch bắt, tù đày. Khi mới 13 tuổi, bà đã tham gia hoạt động cách mạng. Là sĩ quan cao cấp của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, sau thời gian huấn luyện, bà chính thức trở thành chiến sĩ của đơn vị T30 an ninh tỉnh Bến Tre và liên tiếp lập được nhiều chiến công vang dội cho cách mạng trong thời kỳ đó.

Đó còn là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài, 83 tuổi. Mẹ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Sài Gòn. Mất đi người chồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ lại mất đi người con trong cuộc chiến tranh biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế.

Với ý chí kiên cường, bất khuất, Mẹ giấu nước mắt để tiếp tục cùng đồng chí đồng đội tham gia hoạt động cách mạng. Bản thân mẹ là thương binh, gánh chịu bao nỗi đau trên cơ thể khi hứng chịu bom rơi, đạn lạc trong quá trình hoạt động cách mạng và trong thời gian bị địch bắt, tù đày.

NHỮNG TẤM GƯƠNG
NGƯỜI CÓ CÔNG VƯỢT KHÓ

Câu chuyện về người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Cách, đến từ huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũng khiến nhiều người xúc động. Bà chưa bao giờ có đủ thời gian hạnh phúc trọn vẹn bên người chồng thân yêu, chồng hy sinh khi hai người chưa kịp có con. Nén nỗi đau thương, bà ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, và trở thành tấm gương tiêu biểu ở địa phương.

Người thương binh đất lúa Thái Bình Quách Hồng Cư, 72 tuổi, cũng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trở về với đời thường, ông đã thành lập và phát triển công ty với các lĩnh vực vận tải, kinh doanh xăng dầu, khách sạn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, với doanh thu hàng tỷ đồng. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ủng hộ địa phương hàng trăm triệu đồng để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới.

Gặp gỡ những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 4
Ảnh: Thành Đạt-Phương Nam.

Thương binh Kiều Thị Phương đến từ Đắk Lắk. 17tuổi, bà đã xung phong tham gia du kích tại địa phương. Khi chưa tròn 20 tuổi, trong một trận chiến khốc liệt, bà đã phải hứng chịu những viên đạn xuyên qua cơ thể của mình, vĩnh viễn mất đi một phần thân thể ở hông trái với 50% thương tật.

Dù đi lại vô cùng khó khăn, nhưng bà vẫn tiếp tục hoạt động, cống hiến cho cách mạng cho tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Sau ngày thống nhất đất nước, bà cùng gia đình vào vùng kinh tế mới tại Đắk Lắk, tham gia công tác phụ nữ tại địa phương, làm chi hội trưởng trong 30 năm. Bà luôn gương mẫu, đi đầu trong phát huy tình thần đoàn kết giúp chị em phụ nữ làm kinh tế, sống gương mẫu tại địa phương.

Gặp gỡ những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 5

Ảnh: Đăng Khoa-Phương Nam

Chia sẻ về cảm xúc khi có mặt ở Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023, thương binh Triệu Trọng Long, đến từ thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, vô cùng xúc động khi cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân với người có công với cách mạng trên cả nước.

Hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân của họ đã và đang đóng góp quan trọng, tích cực cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Là một người lính vào chiến trường từ năm 1973 khi mới 18 tuổi, bác Long đã có mặt ở nhiều chiến trường như Quảng Trị, Tây Nguyên, tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, bác tiếp tục sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia, rồi được điều động về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, nhận nhiệm vụ tại những địa bàn như Quản Bạ, Vị Xuyên….

Năm 1994, sau 21 năm công tác trong quân đội, bác rời quân ngũ về địa phương. Từ đó đến nay, bác luôn phát huy truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, tham gia phát triển kinh tế gia đình, công việc xã hội-đoàn thể ở địa phương. Cả cuộc đời, bác Long luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi đã đóng góp một phần công sức trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Cùng đi với bác Long có thương binh 1/4 Nguyễn Văn Sinh, 64 tuổi, đến từ huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Năm 1978, ông nhập ngũ ở đơn vị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên, chiến đấu ở chiến trường phía bắc. Xuất ngũ năm 1982, trở về cuộc sống đời thường, ông đã cùng gia đình mở trang trại trồng cam với diện tích 5ha, trồng 1.500 cây cam sành, mỗi năm thu từ 20-30 tấn quả.

Bao câu chuyện và cuộc đời của những người Anh hùng, những thương binh - cựu chiến binh, người có công với cách mạng tiêu biểu trong cuộc hội ngộ toàn quốc trong tháng 7 tại thành phố Huế chỉ là số ít trong hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân của họ ở nước ta. Họ đã và đang đóng góp quan trọng, tích cực cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

TRIỂN KHAI TOÀN DIỆN
CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, hơn bảy thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Gặp gỡ những gương mặt có công tiêu biểu ảnh 7
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Đăng Khoa)

Đối tượng người có công ngày càng một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của xã hội. Ngay trong dịp tháng 7 truyền thống lịch sử này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp người có công tăng thêm gần 27%, từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng và được áp dụng từ thời điểm 1/7/2023.

Thủ tướng Chính phủ đã xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, nhằm mục tiêu hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; bảo đảm người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Đối tượng người có công ngày càng một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của xã hội

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Một điểm sáng nữa trong chính sách người có công là nỗ lực triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng. 6 năm qua, các cơ quan chức năng đã giải quyết hơn 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Trong quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công, đã ghi nhận những câu chuyện vô cùng xúc động. Có những trường hợp các cụ hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt có trường hợp đã hy sinh 91 năm đến nay mới đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ. Đó là trường hợp cụ Phạm Khánh ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Hay đặc biệt hơn là trường hợp của liệt sĩ Trang Hồng Vinh (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Ông nguyên là hiệu tín viên (báo vụ viên), hy sinh năm 1953, nằm ở Chiến khu R, nhưng không còn đồng đội, hồ sơ, chứng cứ. Và vào ngày 21/7/2023, với rất nhiều những nỗ lực của các cơ quan chức năng, liệt sĩ Trang Hồng Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ xác nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công trong niềm vui vô hạn của thân nhân và ngành bưu chính-viễn thông.

Với việc ban hành và triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nêu trên, trong giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước được bố trí để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác. Đó là hàng loạt các chế độ như: bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng; ưu đãi giáo dục, hỗ trợ cải thiện nhà ở dụng cụ chỉnh hình, điều dưỡng; công tác mộ, nghĩa trang, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ…

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" ngày càng phát triển sâu rộng. Những hoạt động tri ân này ngày càng được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Tới nay, cả nước đã vận động được hơn 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới hơn 84.000 căn nhà và sửa chữa hơn 69.000 căn nhà tình nghĩa.

Cùng với đó, gần 126.000 sổ tiết kiệm đã được trao tặng tới các gia đình chính sách với nguồn kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. 2.988 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện trách nhiệm tri ân đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.

Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 diễn ra tại thành phố Huế là một trong những sự kiện quan trọng trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).

Chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức.

back to top