Bước nhảy hạnh phúc

Căn phòng nhỏ, cũ kỹ đơn sơ. Bàn ghế được xếp gọn vào một góc. Tiếng nhạc rộn rã cất lên. Từng đôi nam nữ tiến ra, nghiêng đầu chào điệu đà rồi nắm tay nhau dập dìu theo điệu nhạc. Tiếng huấn luyện viên hướng dẫn lẫn tiếng lao xao tán thưởng của mọi người... Khung cảnh bình thường giống như mọi lớp học khiêu vũ bình dân khác. Duy chỉ có điều đặc biệt: Tất cả các học viên đang biểu diễn đều là người khiếm thị!
0:00 / 0:00
0:00
Các học viên Solar Dance Club biểu diễn tại chương trình từ thiện "Hội chợ handmade những đôi bàn tay giúp đỡ những đôi mắt năm 2024". (Ảnh DUY LINH)
Các học viên Solar Dance Club biểu diễn tại chương trình từ thiện "Hội chợ handmade những đôi bàn tay giúp đỡ những đôi mắt năm 2024". (Ảnh DUY LINH)

Ðây là lớp học định kỳ tuần 2 buổi tại Câu lạc bộ khiêu vũ thể thao người khiếm thị Hà Nội (Solar Dance Club). Chị Dương Thanh Hiền, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cũng là một học viên tích cực của Solar Dance Club chia sẻ: Solar Dance Club được Hội Người mù thành phố Hà Nội thành lập năm 2019, đặt trụ sở tại Hội người mù quận Ðống Ða. Ban đầu, câu lạc bộ được tài trợ bởi Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn (REACH) nhằm giúp người khiếm thị có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng. Khi ấy, vũ công Tô Văn Hòa được mời tham gia dạy khóa học này. 20 là số buổi học theo hợp đồng với REACH. Tuy nhiên, khi buổi học cuối cùng kết thúc, anh Tô Văn Hòa thấy nhiều học viên vẫn hào hứng, mong muốn lớp học tiếp tục được duy trì. Anh đã quyết định tiếp tục dạy miễn phí cho các học viên. Dự án với 20 buổi học đã hoàn thành nhưng lớp học tổ chức kéo dài gần 6 năm, đến tận hôm nay. Thành viên ban đầu gần 20 người, hiện đã lên hơn 60 người tham gia thường xuyên.

Anh Hòa chia sẻ: "Ðối với người bình thường, khiêu vũ là bộ môn tương đối khó bởi đòi hỏi sự biểu cảm của gương mặt, nét cười, các vũ hình, cảm nhạc trong khi người khiếm thị lại không nhìn được những hướng dẫn hình thể của huấn luyện viên".

Anh Hòa đã nhẫn nại uốn nắn cho mỗi học viên từ cách cúi đầu "đúng điệu", cách khoác tay, lắc hông, cách biểu hiện nụ cười... Ngày lại ngày, sự nhiệt tình của thầy Hòa được đền đáp.

Các học viên tự tin hơn, họ vui vẻ nói cười, đếm theo từng nhịp bước chân. Với huấn luyện viên Tô Văn Hòa, như thế đã là thành công bước đầu.

"Dạy người khiếm thị, tôi phải bỏ các lý thuyết của giáo trình, phải đặt mình vào tâm thế giống họ để hiểu các học viên hơn. Vỗ tay tìm bạn diễn là một thử nghiệm được tôi áp dụng. Các học viên "nhập môn" khá nhanh, ngoài cả mong đợi", thầy giáo Hòa chia sẻ.

Nỗi lo mưu sinh, thu vén cho gia đình nhỏ với hai em bé không khiến vũ công sinh năm 1984 này lơ đãng với lớp học. Ðều đặn tuần 2 buổi, anh Hòa là người đến sớm nhất cũng là người rời lớp sau cùng.

Có hôm vì nhiều lý do, chỉ có 4-5 học viên đến lớp, nhưng anh vẫn nhiệt tình chỉ bảo. "Tôi chưa bao giờ có ý định rời câu lạc bộ. Gặp các học viên ở đây như là mối lương duyên vậy. Chính họ đã truyền cho tôi năng lượng tích cực bởi đức tính kiên trì, nhẫn nại", anh Hòa chia sẻ.

Còn Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dương Thanh Hiền trải lòng: "Tham gia câu lạc bộ, các học viên dần xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, không thu mình vào "vỏ ốc" nữa. Với sự hỗ trợ chuyên môn của huấn luyện viên Tô Văn Hòa, sự ủng hộ của một số nhà hảo tâm, câu lạc bộ dần mở rộng hoạt động, có cơ hội trình diễn ở nhiều sân khấu lớn hơn, cơ hội giao lưu cũng nhiều hơn. Hiện nay, ước mơ của Ban chủ nhiệm vẫn là mong muốn có một sân tập rộng rãi hơn, quy mô hơn vì phòng tập hiện tại khá nhỏ, các học viên trong lúc tập luyện rất hay va vào nhau...".

Năm 2020, 2021, đại dịch Covid-19 như một cơn bão càn quét. Lệnh phong tỏa, cách ly được thực thi. Thành phố bỗng hoang vắng như "ngủ đông". Người lớn thì khẩu trang kín mít với bước chân gấp gáp, âu lo. Lũ trẻ con thì "phát cuồng" vì bị nhốt lâu trong nhà.

Ðiều trước đây vốn vô cùng giản dị như đi dạo trong công viên mỗi sớm mai, chụm đầu bên vài người bạn với chén trà vỉa hè... giờ bỗng trở thành điều không thể.

Ðiện thoại của anh Hòa liên tục rung và nhận tin nhắn: "Buồn quá, thầy ơi. Khi nào thì được tập lại? Mọi người quên hết các động tác rồi...?". Anh Hòa hiểu tâm trạng của các học viên. Họ khao khát được gặp nhau, được chia sẻ những câu chuyện hằng ngày, thậm chí chỉ đơn giản là được... nghe tiếng nói chuyện.

"Cái khó ló cái khôn", anh Hòa nghĩ ra hình thức dạy online. Các học viên lại xốn xang khi được nghe tiếng nói của nhau (dẫu chỉ qua màn hình điện thoại). Ðường truyền intenet không ổn định, phập phù.

Không sao, được nghe tiếng nói của nhau, thế là vui rồi! Thầy trò được gặp nhau (online), được ôn lại bài học dang dở, và điều quan trọng hơn: Họ hạnh phúc vì biết được những người bạn của mình vẫn mạnh khỏe, an lành. Cuối năm 2021, dịch Covid-19 được khống chế.

Lớp học được mở trở lại, học viên vẫn đông đủ, điều đó rất ý nghĩa với anh Hòa. Các học viên vẫn gắn bó với câu lạc bộ. Lại gợi mở, uốn nắn từng nhịp bước chân, hướng dẫn cách thả lỏng, làm chủ cơ thể..., anh Hòa lại thắp lên tình yêu với bộ môn khiêu vũ, giúp học viên tự tin với mỗi bước nhảy.

Dịp này, tình cờ Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ biết thông tin thành phố Hà Nội đăng cai Giải dancesport WDSF, anh Hòa đã xin ban tổ chức cho các học viên của mình một góc nhỏ để biểu diễn với mong muốn họ có cơ hội được diễn ở một địa điểm hoành tráng hơn. "Ðể các bạn ấy tự tin hơn, cảm xúc thăng hoa hơn với niềm đam mê", anh Hòa bộc bạch.

Năm 2021, Ủy ban Paralympic Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam và Liên đoàn Thể dục Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc thi Các Câu lạc bộ khiêu vũ thể thao người khiếm thị với chủ đề "Bước nhảy xóa bỏ mọi khoảng cách" mà lực lượng nòng cốt khi ấy là các thành viên của Solar Dance Club. Nhiều người, nhiều đồng nghiệp, phụ huynh, bạn bè của các học viên... đã đến cổ vũ, ủng hộ.

Người hỗ trợ trang phục, người trang điểm miễn phí, người tài trợ các phụ kiện biểu diễn, sân khấu cũng được Học viện Múa Việt Nam miễn phí. Tiếp nối thành công của mùa thứ nhất, "Bước nhảy xóa bỏ mọi khoảng cách" mùa thứ 2 (năm 2022) tiếp tục được duy trì. Nếu mùa thứ nhất chỉ có 40 thí sinh tham gia thì mùa thứ 2 có hơn 60 thí sinh, nội dung thi đấu cũng phong phú hơn.

Cuộc thi góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về những người khiếm thị vượt lên khó khăn, vượt qua chính mình để sống với đam mê. Cũng trong năm 2022, Solar Dance Club được mời biểu diễn tại Lễ khai mạc Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Ðây là lần đầu các thành viên được tham gia một sân chơi lớn như thế.

Tháng 7/2023, mùa thứ 3 của cuộc thi. Hơn 80 vận động viên đến từ 20 đơn vị Hội người mù và các Câu lạc bộ khiêu vũ tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố hào hứng ghi danh. Trước đó, hoạt động quảng bá cho sự kiện được tổ chức theo hình thức online trong gần 2 tháng đã thu hút sự tham gia của các vận động viên dự thi ở 37 nội dung. Ban tổ chức đã đăng tải các video clip trên kênh YouTube và fanpage của Câu lạc bộ Solar Dance Club, đã có hàng nghìn lượt người xem, tương tác.

"Câu lạc bộ trở thành nơi giao lưu, gắn kết, giúp người khiếm thị tăng khả năng hòa nhập cộng đồng. Các học viên hãnh diện hơn vì họ muốn làm, dám làm và đã làm được điều tưởng như không thể. Xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn góp phần đưa bộ môn khiêu vũ thể thao trở thành môn thi đấu chính thức tại các sân chơi lớn. Tuy nhiên, kinh phí vẫn luôn là nỗi lo với Ban tổ chức...", chị Thanh Hiền chia sẻ.

Trưa 10/11 vừa qua tại Hà Nội, nhằm ủng hộ các hoạt động của Solar Dance Club, Câu lạc bộ Dream House phối hợp một số đơn vị và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình từ thiện "Hội chợ handmade những đôi bàn tay giúp đỡ những đôi mắt lần thứ hai năm 2024".

Chị Lê Phương Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dream House vốn là một người rất nhiệt tình với công tác thiện nguyện bộc bạch: "Tôi khâm phục ý chí vượt qua khó khăn của những người khiếm thị, họ đã giúp tôi thấm thía về sự kiên trì, niềm khao khát vươn lên chiến thắng số phận. Chúng tôi đã đồng hành với Solar Dance Club hơn 5 năm. Ban đầu chỉ là các hoạt động quy mô nhỏ, sau đó lan tỏa trong cộng đồng...".

Hội chợ từ thiện lần này thu hút hơn 20 thương hiệu handmade cùng khá nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Toàn bộ số tiền thu được, đại diện Dream House đã trao, ủng hộ các hội viên Solar Dance Club luyện tập, thi đấu.

Ngày 20/11,"Cúp Các câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao người khiếm thị toàn quốc năm 2024" diễn ra tại Nhà thi đấu thể thao quận Cầu Giấy (Hà Nội). Giải quy tụ sự tham gia của hơn 100 vận động viên của 10 câu lạc bộ đến từ 7 tỉnh, thành phố. Ðây tiếp tục là cơ hội để các hội viên khiếm thị tỏa sáng, khẳng định nghị lực bản thân.

Kết thúc cuộc thi, 36 giải thưởng được Ban tổ chức trao tặng các tập thể, cá nhân. Solar Dance Club vinh dự nhận Giải nhất toàn đoàn. "Trái ngọt" hôm nay có được là nhờ bao khổ luyện của cả thầy và trò câu lạc bộ.

Sáng thứ hai, thứ sáu mỗi tuần, nếu tình cờ ngang qua căn nhà cũ kỹ của Hội người mù quận Ðống Ða, chắc hẳn bạn sẽ nghe thấy tiếng nhạc dập dìu, những thanh âm tươi vui tràn đầy năng lượng. Chút son phấn cho đẹp hơn, váy áo, lụa là xốn xang hơn...

Các thành viên Câu lạc bộ Solar Dance Club, người mới, người cũ đang cùng nhau ôn lại từng điệu nhảy. Những bước nhảy dẫu còn lóng ngóng, vụng về, nhưng trên gương mặt họ tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc. Họ đang tạm quên đi những âu lo, muộn phiền thường nhật để được sống với niềm đam mê của mình.

Ngoài kia, con phố vẫn ồn ào, đông đúc, dòng người vẫn hối hả ngược xuôi, tất tả mưu sinh. Còn trong căn phòng này, âm nhạc vẫn rộn ràng, những vòng xoay vẫn nghiêng ngả hoan ca. Tôi thì gọi đó là: Những bước nhảy mang tên Hạnh Phúc.