Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Toạ đàm thu hút hàng trăm nhà báo từ các cơ quan báo chí thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo chí Trung ương và Hà Nội. |
Theo Ban tổ chức, chương trình tưởng niệm, tri ân các nhà báo liệt sĩ lần đầu tiên được tổ chức năm 2024 và sẽ trở thành hoạt động thường niên trong những năm tiếp theo, bởi đây là hoạt động ý nghĩa của thế hệ làm báo hiện tại đối với những nhà báo đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao ý tưởng tổ chức chương trình, bày tỏ kỳ vọng sự kết nối và phát huy của các Liên chi hội trong các hoạt động thiết thực, hướng tới 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. |
Với chủ đề "Màu ký ức", chương trình là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với những nhà báo-liệt sĩ; đồng thời gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới thế hệ những người cầm bút hôm nay.
Ông Phan Văn Đồng, anh trai nhà báo liệt sĩ Phan Tứ Kỷ (1947-1972) đại diện gia đình kể về những ký ức, tình cảm với người thân đã anh dũng hy sinh năm 1972 tại Quảng Trị. |
Bên cạnh sự ngưỡng mộ và niềm tiếc thương vô hạn, các thế hệ nhà báo có mặt tại khán phòng cũng cảm thấy tự hào, biết ơn trước công lao và sự hy sinh của các thế hệ nhà báo đi trước.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Tổng Biên tập báo Hà nội mới, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. |
Một diễn giả nổi tiếng khác là nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, người đã miệt mài dành hơn 15 năm đi tìm mộ, xác định danh tính 512 đồng nghiệp là liệt sĩ. Ông cũng là một nhà thơ được nhiều độc giả yêu mến, với bài thơ nổi tiếng "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh".
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa (người bên trái) tiếp nhận hai cuốn sách nhà báo Trần Văn Hiền (người đứng giữa) trao tặng Bảo tàng. |
Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, Bảo tàng từ khi ra đời đã nhận được sự ủng hộ, động viên to lớn của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và nhiều công chúng báo chí trong cả nước. Mỗi hiện vật, tư liệu nhận được vốn dĩ là những tài sản tinh thần quý giá được giữ gìn trong các cơ quan, đơn vị, trong các bộ sưu tập cá nhân, được chính thức trao gửi cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam gìn giữ và lan tỏa đến mai sau.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu, khách mời đã tham quan không gian Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo, nơi lưu giữ, trưng bày trên 35.000 tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ của nền báo chí Việt Nam gần một thế kỷ qua. |
Một hiện vật nổi bật tại Bảo tàng là chiếc loa khổng lồ từng đặt tại bên sông Bến Hải (Quảng Trị), phát đi các chương trình tin tức, văn nghệ... giữa hai bên vĩ tuyến 17 trong cuộc chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. |
Không gian tái hiện giai đoạn lịch sử "Làm báo dưới hầm" của Báo Nhân Dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1970. |