Bình yên mái nhà thứ hai của thương binh nặng

Sau những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều người phải bỏ lại một phần cơ thể nơi chiến trường, nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề và tàn khốc bởi sức ép bom mìn, đạn pháo, chất độc hóa học mà mang trong mình bệnh tật…
0:00 / 0:00
0:00
Cần rà soát chính sách để nâng cao chất lượng chăm sóc người có công. Ảnh: NGUYÊN NGUYÊN
Cần rà soát chính sách để nâng cao chất lượng chăm sóc người có công. Ảnh: NGUYÊN NGUYÊN

Những người lính chiến đấu anh dũng năm nào, trở về đời thường, họ phải chiến đấu với nỗi đau thể xác và tinh thần. Có những người có ngôi nhà của riêng mình, nhưng có những người vì thương tích, bệnh tật, không vợ con, gia đình đã chọn gắn bó đến cuối đời với ngôi nhà thứ hai của mình, đó là những Trung tâm điều dưỡng, nuôi dưỡng người có công…

Theo thống kê, cả nước có khoảng 695 nghìn người có công được hưởng chế độ điều dưỡng hằng năm với hai hình thức: điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình. Hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng hiện có 67 trung tâm trên cả nước.

Trong đó, có đến 33 trung tâm thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng người có công (chỉ chuyên về điều dưỡng luân phiên cho người có công) và tới sáu trung tâm lớn chỉ chuyên thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng người có công… Bao nhiêu năm qua, những người thương binh, bệnh binh khi đến với “ngôi nhà chung” đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình với tất cả tình yêu thương của những cán bộ, bác sĩ, hộ lý, y tá nơi đây.

Tận tụy như với chính người thân của mình

Chứng kiến cuộc sống của những thương binh nặng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam), chúng tôi mới thật sự cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh. Ở bên kia sườn dốc của cuộc đời, các thương binh, bệnh binh không chỉ chịu sự đau đớn bởi những vết thương chằng chịt mà còn phải chịu thêm bệnh lý tuổi già và tổn thương về tinh thần, trí nhớ cho nên các y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng nơi đây phải phục vụ từ ăn, tắm, ngủ, nghỉ đến uống thuốc.

Trong nắng nóng tháng 7, các bác sĩ, hộ lý, y tá thoăn thoắt di chuyển từ giữa những dãy nhà cấp 4. Mỗi người một việc, người lau dọn phòng ở, người tắm rửa, người khám bệnh, truyền thuốc cho các thương binh, bệnh binh…, tất cả đều rất nhẹ nhàng, cùng lời nói ngọt ngào dỗ dành của những người con dành cho các “ông bố” không cùng huyết thống.

“Bác thấy trong người thế nào, bữa nay bác ăn cơm có thấy ngon không?”, giọng bác sĩ Chu Trung Dũng nhẹ nhàng, ấm áp khi đến bên giường của thương binh Trịnh Quang Trung ở Khoa điều trị I. Bác sĩ Chu Trung Dũng cho biết, với đặc thù của đơn vị là chăm sóc, nuôi dưỡng các thương binh, bệnh binh hạng 1/4, mất sức từ 81% trở lên, bị mắc bệnh tâm thần mãn tính sa sút về hoạt động tâm thần do vết thương sọ não cho nên trong quá trình chăm sóc gặp không ít khó khăn.

Cả trung tâm chỉ có khoảng 15-20% các bác thương binh tỉnh táo một phần, còn lại nhiều bác không làm chủ được hành vi, thậm chí không nhận biết chính người thân của mình. Những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát khiến các bác đau đớn dẫn đến việc không làm chủ được cảm xúc, nổi nóng với đội ngũ nhân viên. “Những lúc như vậy, chúng tôi luôn cố gắng bình tĩnh, nhẫn nại, làm tốt công tác chuyên môn, chăm sóc cho các bác thật chu đáo. Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với những mất mát và nỗi đau mà các bác đang trải qua”.

Là người gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng từ ngày đầu thành lập, bác Bùi Đức Thà (xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình) tham gia chiến đấu trong chiến dịch thành cổ Quảng Trị và bị thương. Sau gần một năm điều trị vết thương tại bệnh viện, năm 1976, bác Thà được đưa về đây điều trị và từ đó bác coi đây là ngôi nhà của mình. “Bao nhiêu năm qua, anh em thương binh chúng tôi nhận được sự chăm sóc chu đáo của các cán bộ, nhân viên tại trung tâm. Chúng tôi đã coi nhau như người thân trong một gia đình”, bác Thà chia sẻ.

Tạo dựng ngôi nhà chung…

“Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, đây chính là tinh thần mà toàn thể cán bộ, các y sĩ, bác sĩ tại các trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công luôn xác định rõ, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) Mã Thị Bích Nhạn cho biết: Chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng là một nhiệm vụ chính trị và có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Do đó, đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên trung tâm luôn đề cao vai trò, trách nhiệm không ngại khó khăn vất vả, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để các thương binh, bệnh binh yên tâm điều trị, nghỉ dưỡng và luôn coi trung tâm là ngôi nhà thân thương, an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam) cho biết, được thành lập từ tháng 3/1976, hiện tại trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị 110 đối tượng người có công của 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra.

Có đến 75% số thương binh, bệnh binh nặng mất sức từ 81% trở lên, bị mắc bệnh tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ do vết thương sọ não. Mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn, ở, ngủ nghỉ đều do y tá, hộ lý phục vụ… “Chăm sóc thương binh, bệnh binh vất vả bội phần. Chăm sóc các bác, đối với chúng tôi, không chỉ là trách nhiệm, tình thương mà hơn hết là lòng biết ơn! Chỉ có tình thương, lòng biết ơn mới giúp chúng tôi khắc phục mọi khó khăn để cùng nhau tạo dựng một ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình”.

Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) Tống Đức Bình cho biết: Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho 33 người, trong đó có đến 15 thương binh, bệnh binh bị vết thương sọ não gây rối loạn tâm thần, được quản lý, điều trị đặc biệt; 18 thương binh, bệnh binh liệt, hầu hết phải ngồi trên xe lăn, xe lắc, với nhiều bệnh lý… cho nên công tác chăm sóc vô cùng khó khăn.

Với tinh thần “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các y, bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất luôn xác định chăm sóc thương binh, bệnh binh như chính người thân của mình. Bên cạnh đó, trung tâm luôn quan tâm đến chất lượng các bữa ăn, công tác vệ sinh môi trường, đời sống tinh thần để tạo điều kiện sống tốt hơn cho các thương binh, bệnh binh đang được chăm sóc điều trị tại đơn vị.