Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân giới thiệu về các sản phẩm OCOP được gắn chip định danh số tại sự kiện ra mắt chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân.
Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân giới thiệu về các sản phẩm OCOP được gắn chip định danh số tại sự kiện ra mắt chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân.

Gắn chip cho sản phẩm OCOP: Định danh văn hóa, hướng tới nền nông nghiệp "kết nối"

NDO - Việc gắn chip định danh cho các sản phẩm OCOP đặc thù không chỉ giúp các nghệ nhân có thể “kể câu chuyện” chính mình muốn gửi gắm, đồng thời hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, kết nối với tư duy số hoá.

Tháng 10/2023, giới công nghệ và cả những nhà văn hóa tại Việt Nam tỏ ra vô cùng bất ngờ khi Phygital Labs phối hợp Trung tâm Thông tin UNESCO bắt đầu dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa Việt” trên nền tảng lưu giữ, trưng bày, quảng bá và ứng dụng văn hóa truyền thống vào các lĩnh vực của cuộc sống đương đại.

TỪ ĐỊNH DANH SỐ CHO DI SẢN...

Theo đó, Trung tâm Thông tin UNESCO sẽ tìm kiếm, đề xuất các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia văn hóa thực hiện các nghiên cứu về những giá trị, hiện vật được chọn. Dựa trên những đề xuất này, Phygital Labs sẽ thiết kế giải pháp ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm văn hóa cụ thể; đồng thời xây dựng nền tảng số để lan tỏa, truyền bá các giá trị văn hóa này.

Ông Nguyễn Huy, người sáng lập Phygital Labs giải thích: Giải pháp công nghệ mà Phygital Labs đưa ra có tên là Nomion với chức năng định danh số vạn vật. Nomion tạo nên tính duy nhất cho từng sản phẩm vật lý bằng công nghệ RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và blockchain (công nghệ chuỗi khối).

Gắn chip cho sản phẩm OCOP: Định danh văn hóa, hướng tới nền nông nghiệp "kết nối" ảnh 1

Ông Nguyễn Huy giải thích về công nghệ Nomion.

Công nghệ này bảo đảm tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và không gian số. Thông qua chip thông minh định danh, Phygital Labs ứng dụng thêm công nghệ LiDAR (quét và đo tia sáng hồng ngoại) và VR/AR (thực tế ảo, thực tế tăng cường) để đưa các sản phẩm vật lý lên môi trường số, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và trở thành mảnh ghép quan trọng của nền kinh tế số.

Tổng Giám đốc Phygital Labs nhấn mạnh: “Như vậy, vật lý số sẽ là cánh cổng kết nối thế giới thực và thế giới số, là nơi hai thế giới hội tụ và tồn tại song song. Đây sẽ là một dòng doanh thu hoàn toàn mới, tái định hình những chuẩn mực truyền thống và kiến tạo nền kinh tế số đầy tiềm năng”, ông Nguyễn Huy khẳng định.

Khái niệm vật lý số (phygital) là thuật ngữ kết hợp giữa physical (vật lý) và digital (kỹ thuật số). Vật lý số được sinh ra từ việc kết hợp các sự phát triển từ công nghệ điện toán, thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR).

Nguyễn Huy, CEO Phygital Labs

Ngoài lĩnh vực kinh tế số, giải pháp về định danh vạn vật còn giúp lưu trữ, bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc một cách đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả. Điển hình phải kế đến giải pháp định danh vạn vật được xây dựng với Làng đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).

Thông qua công nghệ, các sản phẩm mỹ nghệ làm từ đá được tích hợp công nghệ định danh vạn vật Nomion để định danh, sau đó đưa lên Danang Chain (nền tảng blockchain của Đà Nẵng). Không dừng lại ở đó, người dùng Internet từ bất cứ nơi đâu cũng có thể truy cập, thực hiện một “cuộc tham quan ảo” độc đáo với tất cả các hiện vật được trưng bày như trong thực tế với tất cả thông tin cơ bản nhất.

“Thời gian tới, Phygital Labs sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm thông tin UNESCO Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) để số hóa, từ đó góp phần bảo tồn các di sản văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cũng đã đã hợp tác với Thừa Thiên- để triển khai dự án số hóa nhiều di sản, vật phẩm tại các bảo tàng truyền thống”, ông Huy tiết lộ.

Công nghệ Nomion giúp số hoá các di sản, hiện vật văn hóa, từ đó phục vụ cho công tác truyền thông và bảo tồn. (Video: Nhân vật cung cấp)

TỚI GẮN CHIP GIÚP SẢN PHẨM OCOP TỰ KỂ CÂU CHUYỆN CỦA CHÍNH MÌNH

Bên cạnh việc “gắn chip” cho các thương hiệu thời trang hay di sản văn hóa, gần đây, Phygital Labs cũng đã thử sức với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Giám đốc điều hành Nguyễn Huy chia sẻ: Trong giai đoạn đầu tiên, công ty của anh đã triển khai với 2 sản phẩm cà-phê và hồ tiêu. Cụ thể, anh Huy cho biết, hiện nay, phần bao bì của các sản phẩm chưa cung cấp đầy đủ những thông tin mà khách hàng cần tìm.

“Do đó, chúng tôi đã quyết định đưa ra giải pháp gắn chip định danh cho sản phẩm, giúp người dùng được tiếp cận với câu chuyện về hành trình tỉ mỉ, chăm chút, săn lùng giá trị cốt lõi của sản phẩm. Chỉ cần một thao tác đơn giản, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc của hãng cà-phê, dòng cà-phê, tìm hiểu về các câu chuyện thú vị liên quan, mùi vị đặc trưng của từng loại cũng như xem hướng dẫn cách pha để đạt được chất lượng cao nhất”, ông Huy giải thích.

Thông qua công nghệ đặc biệt này, người nông dân, các chủ thể của sản xuất và kinh doanh nông sản lần đầu tiên đã có thể “tự kể câu chuyện” của riêng mình trên không gian số.

Mới đây nhất, thông qua sự kết nối của Báo Nhân Dân trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Nguyễn Huy và các cộng sự cũng đã gắn chip lên sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên-gốm men Suối ngọc của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh tại Bát Tràng, Hà Nội.

Gắn chip cho sản phẩm OCOP: Định danh văn hóa, hướng tới nền nông nghiệp "kết nối" ảnh 2

Ông Nguyễn Huy giới thiệu về công nghệ gắn chip định danh cho sản phẩm OCOP tại Báo Nhân Dân.

Chia sẻ về giải pháp công nghệ Nomion gắn chip định danh độc bản, ông Huy, khẳng định: Việc gắn chip lên sản phẩm OCOP giúp sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được thị trường thế giới; nâng tầm giá trị văn hóa Việt thông qua việc lan tỏa hồn cốt sản phẩm, từ đó giúp tăng giá trị sản phẩm lên rất nhiều.

Thông qua chương trình của Báo Nhân Dân, Phygital Labs đã thí điểm gắn chip thông tin lên sản phẩm gốm sứ, qua đó hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP một cách thuận tiện và dễ dàng hơn.

Nhận định thêm, Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh cho biết: Đằng sau mỗi sản phẩm OCOP như Gốm men Suối ngọc là cả một câu chuyện ẩn chứa tinh hoa của mỗi làng nghề. Các nghệ nhân có thể tạo ra được sản phẩm, nhưng lại chưa thể lan tỏa được câu chuyện ẩn sâu ấy.

“Công nghệ là nút thắt phát triển với các sản phẩm OCOP nói riêng, các làng nghề thủ công nói chung. Khi được gắn chip định danh, sản phẩm sẽ chạm tới sự kết nối. Chỉ cần một thao tác đơn giản, công chúng có thể biết danh tính tác giả, hiểu hành trình tạo tác và thông điệp được gửi gắm phía sau. Tôi cho rằng, giải pháp công nghệ Nomion góp phần lan tỏa sản phẩm đến tất cả cộng đồng người Việt và vươn ra thế giới”, ông Tân cho biết.

HƯỚNG TỚI NỀN NÔNG NGHIỆP "CHẠM ĐỂ KẾT NỐI"

Hiệu ứng Nomion đã đến rất nhanh sau khi những sản phẩm đầu tiên của nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân được “gắn chip”. Không lâu sau, sản phẩm của anh đã được Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan lựa chọn để làm quà tặng của ngành nông nghiệp cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Món quà là chiếc bình gốm nghệ thuật có khắc chữ nổi lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", được chiếu lên màn hình để các đại biểu cùng chiêm ngưỡng.

Gắn chip cho sản phẩm OCOP: Định danh văn hóa, hướng tới nền nông nghiệp "kết nối" ảnh 3

Món quà đặc biệt ngành nông nghiệp tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện thông điệp "chạm để kết nối".

Trực tiếp giới thiệu về món quà tại sự kiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lời nhắn gửi sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt, bình gốm lưu niệm này được gắn thêm "nhãn mã hóa" có thiết kế như dấu vân tay, giúp định danh sản phẩm. Theo đó, khi chạm điện thoại thông minh lên nhãn mã hóa, màn hình sẽ hiển thị đường dẫn cung cấp thông tin về nghệ nhân, về nguồn gốc, quá trình sáng tạo, chế tác, về tên gọi, chuyện kể gắn liền với tác phẩm.

"Với nhãn mã hóa, sản phẩm làng nghề nông thôn truyền thống tinh hoa từ đất - sinh ra từ lửa ngay lập tức, được thổi hồn, được tăng thêm giá trị, vừa độc đáo, vừa sống động", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, và cho rằng: "Nhãn mã hóa hình dấu vân tay trên bình gốm gợi mở về ‘chạm để kết nối’ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với công nghệ số, với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Chạm tay lên màn hình thiết bị thông minh để kết nối, để chia sẻ, để xử lý công việc… tự lúc nào đã trở thành thao tác quen thuộc, đời thường".

Gắn chip cho sản phẩm OCOP: Định danh văn hóa, hướng tới nền nông nghiệp "kết nối" ảnh 4

Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân bày tỏ sự cảm kích khi sản phẩm Gốm men Suối ngọc của anh được lựa chọn để tặng Thủ tướng Chính Phủ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ mạnh dạn tiếp cận xu thế "chạm để kết nối": kích hoạt tư duy "số hóa" trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh.

Bày tỏ cảm xúc của mình, Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân chia sẻ: Bản thân anh rất xúc động vì sản phẩm của mình đã được lựa chọn để tặng Thủ tướng Chính phủ.

“Một sản phẩm nhỏ bé nhưng khi ứng dụng công nghệ đã kể được một câu chuyện lớn hơn về văn hóa, về những con người ngày đêm nhào nặn mỹ ý. Khi được gắn chip, sản phẩm tự bản thân mình, đã định danh cả một làng nghề, cả một vùng văn hóa”, ông Tân nhấn mạnh.