Khẳng định giá trị sản phẩm
Đến nay, huyện Đức Cơ đã có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó, 14 sản phẩm đạt 3 sao, ba sản phẩm đạt 4 sao. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xây dựng thương mại và dịch vụ Phượng Hoàng (xã Ia Nan) Nguyễn Tuấn Duy cho biết, để đạt tiêu chuẩn 4 sao, đơn vị đã áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và bảo đảm các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, HTX còn chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử, giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn và nâng cao giá trị. Mục tiêu của HTX trong thời gian tới là xuất khẩu sản phẩm sang thị trường một số nước khu vực Đông Nam Á, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Huyện Ia Grai có 14 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Cơ sở rang xay cà-phê Thảo Hiên (thị trấn Ia Kha) có đến năm dòng sản phẩm được công nhận đạt 3 sao cho nên lượng hàng bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khá lớn. Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ cơ sở cho biết: “Chúng tôi tích cực sử dụng Facebook, Zalo, website của cơ sở để đăng tải hình ảnh, thông tin về nguồn gốc, công dụng sản phẩm để tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiện nay, các sản phẩm cà-phê mộc đặc biệt, cà-phê Espresso, cà-phê phin giấy, cà-phê rang xay phin đậm và hạt điều của cơ sở đã có mặt tại nhiều cửa hàng, đại lý trên cả nước”.
Thương hiệu gạo Phú Thiện cũng đang được nhiều người tiêu dùng biết đến với chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, thời gian qua, HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) đã tiến hành số hóa, đưa hình ảnh, thông tin các sản phẩm gạo lên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai Phạm Ngọc Nghĩa cho biết, nắm bắt được xu hướng của thị trường, HTX đã xây dựng website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hiện ba sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: LH12, TBR225, J02 cùng với hai sản phẩm gạo ST24, ST25 được quảng bá thông qua các kênh bán hàng online như: Shopee, Lazada, postmart.vn, ocopgialai.vn đã khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm của HTX.
Trên cơ sở đó, đơn vị đã mở rộng thêm nhiều đại lý, doanh thu bán hàng cũng tăng lên đáng kể. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp từ 300-400 tấn gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Năm 2022, ước doanh thu của HTX đạt trên 1,3 tỷ đồng.
Hành trình lên sàn của sản phẩm OCOP
Việc liên kết tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử được chính quyền địa phương, các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP coi là giải pháp tạo ra những kênh phân phối mới, phù hợp xu hướng hiện đại; đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai Phan Đình Thắm, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đưa ra thị trường rất được người tiêu dùng đón nhận.
Do vậy, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ tạo tài khoản đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, huyện hướng dẫn các chủ thể tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao; hướng dẫn sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để làm chủ được cách bán hàng mới trên các sàn giao dịch điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Để tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ Trần Ngọc Phận, huyện thường xuyên quan tâm và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai và lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giúp các chủ thể nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Hằng năm, huyện bố trí kinh phí từ 500 triệu đến một tỷ đồng để hỗ trợ các chủ thể thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với đó, khuyến khích các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường”, Phó Chủ tịch Trần Ngọc Phận thông tin thêm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai Lưu Trung Nghĩa cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung phát triển các tổ chức kinh tế tham gia OCOP, hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm nhằm góp phần nâng cao doanh số, lợi nhuận cho các cơ sở sản xuất, tổ chức kinh tế.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 250 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao và có ít nhất hai sản phẩm đạt 5 sao; hỗ trợ, cung cấp dịch vụ marketing online, định hướng áp dụng công nghệ 4.0; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp tỉnh hoặc doanh nghiệp mang sản phẩm OCOP tiêu biểu đến giới thiệu ở thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng và ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP.
Huyện Đắk Đoa đến nay đã có 25 sản phẩm OCOP, trong đó năm sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP của huyện khá đa dạng từ cà-phê, hồ tiêu, măng, gạo, thịt bò khô, khoai lang, trà... Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao đã dần xây dựng thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Đoa Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Sau khi xây dựng thành công sản phẩm OCOP, chủ thể cần tiếp tục phát triển ổn định vùng nguyên liệu theo quy trình sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã.
Có như vậy, sản phẩm mới có cơ hội đứng vững và phát triển. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các chủ thể tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, đào tạo kỹ năng tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các chủ thể, góp phần thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên nền tảng số”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Gia Lai) Nguyễn Thị Bích Thu cho biết, để công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại đạt hiệu quả hơn, Sở Công thương tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản thông qua việc kết nối tham gia sự kiện, hội nghị do Bộ Công thương và các tỉnh tổ chức. Các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu giao thương ở các tỉnh, thành phố trong thời gian qua đã tạo cơ hội cho nhiều chủ thể được gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, phương thức cung ứng để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ các chủ thể bán hàng trên sàn thương mại điện tử ocopgialai.vn, xây dựng video quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện và trên trang thông tin điện tử; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương và mở rộng thị trường trên không gian mạng.
“Sở tham mưu triển khai chương trình hợp tác phát triển giữa Gia Lai và các địa phương TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động tham gia chuỗi giá trị chế biến sâu với hàng hóa có chứng nhận, có thương hiệu, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, chú trọng các quốc gia tham gia các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...”, bà Nguyễn Thị Bích Thu nhấn mạnh.