Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng

Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng

NDO - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm đặc trưng của xứ sở đất sen hồng Đồng Tháp qua từng năm đã không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Năm 2023, hạt sen sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao góp phần tạo nền tảng cho các sản phẩm bản địa tiếp cận được nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cùng các thị trường khó tính khác.

Câu chuyện hạt sen “5 sao”

Ngoài tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm hạt sen sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp còn đạt hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Nguyên liệu sản phẩm gồm hạt sen, dầu thực vật, đường mạch.

Hạt sen sấy đạt sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia là cả một câu chuyện, một quá trình khởi nghiệp không ngừng nghỉ.

Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng ảnh 1

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp lựa hạt sen sấy để đem đi đóng gói.

Ông Huỳnh Văn Hiệp vốn xuất thân nông dân với hơn 1 hec-ta đất ba mẹ cho để trồng lúa. Năm 2005, phong trào trồng sen bắt đầu nở rộ ở quê hương Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Khi ấy, kinh tế gia đình khó khăn, ông Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng sen, vì thấy loại cây trồng này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thu nhập từ nghề trồng sen của gia đình ông Hiệp ngày một ổn định, khấm khá.

Phất lên nhờ sen, ngoài việc trồng, ông Hiệp còn là một trong những người khởi xướng sơ chế sen lụa tại Đồng Tháp. Ông Hiệp tìm gặp, nói chuyện với các cô chú ở xóm, đưa ra sáng kiến liên kết các hộ dân trồng sen chung quanh, đứng ra thành lập điểm thu mua gương sen và chế biến sen lụa đầu tiên của xã. Sản phẩm làm ra cung cấp cho các chợ đầu mối lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hiệp còn mở rộng việc thu mua sen sang các khu vực lân cận, hình thành nên các tổ hợp tác thu mua và chế biến sen lụa tại huyện Cao Lãnh và Tháp Mười.

Giống như bao nông sản khác, cảnh được mùa mất giá liên tục diễn ra, có đêm ông trằn trọc không ngủ được, suy nghĩ tìm cách gì đó để thay đổi, không thể chịu trận như thế.

Sau vài năm chịu cảnh chèn ép của thương lái chợ đầu mối, tháng 9/2012, ông Huỳnh Văn Hiệp đã tìm ra lời giải cho bài toàn này bằng cách thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Huy Đồng Tháp. Ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống kho trữ lạnh và hệ thống sấy chân không tiên tiến. Mục đích là trữ hạt sen và chế biến hạt sen sấy.

Với những hạt sen được tuyển chọn kỹ càng từ các đầm sen tại Đồng Tháp đã cho ra mắt sản phẩm hạt sen sấy đặc biệt, giúp lưu giữ được toàn vẹn sự thuần khiết lâu dài của hạt sen, khắc phục tình trạng dội chợ, ép giá của thương lái.

Những ngày đầu thành lập công ty, ông vẫn kết hợp song song vừa làm sen lụa, vừa làm sen sấy. Sản phẩm ban đầu làm ra chưa có bao bì hoàn chỉnh nên chủ yếu chỉ bán được ở một số chợ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng ảnh 2

Phương tiện vận chuyển sản phẩm trái cây sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp.

Hình thức bán chủ yếu là bán thô nên giá trị gia tăng chưa cao. Hạt sen sấy ra được thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận nhưng không mang trên mình thương hiệu sen của vùng Đồng Tháp Mười mà phải gắn nhãn hiệu nơi đất khách.

Một lần nữa ông Huỳnh Văn Hiệp không chấp nhận đứa con tinh thần không mang nhãn hiệu của riêng mình. Ông Hiệp đã cho cải tiến thiết kế bao bì mang thương hiệu “Nam Huy” cho các dòng sản phẩm của mình và cũng đã đăng ký bảo hộ độc quyền cho đứa con tinh thần này.

Đến nay, Công ty Nam Huy đã tạo được hệ thống bán hàng với hơn 50 nhà phân phối trải dài khắp mọi miền đất nước. Riêng sản phẩm hạt sen sấy Công ty có 4 dòng chủ lực gồm: Hạt sen sấy 40g, hạt sen sấy 100g, hạt sen sấy 200g, hạt sen sấy 500g để phục vụ nhiều phân khúc và thị hiếu người tiêu dùng. Sản phẩm ra thị trường dần được nhiều người biết đến.

Không dừng lại ở thị trường trong nước, hạt sen sấy Nam Huy còn được xuất khẩu sang các thị trường các nước Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore…

Thừa thắng xông lên, công ty tiếp tục đầu tư kỹ lưỡng hơn về thiết bị, máy móc, thực hiện khép kín từ khâu sơ chế nông sản đến khâu thành phẩm để đáp ứng một khối lượng lớn sản phẩm sen sấy cho thị trường ngoài nước.

Trung bình mỗi tháng, năng lực sản xuất của công ty luôn đạt hơn 10 tấn. Sắp tới, công ty Nam Huy sẽ còn tiếp tục mở rộng nhà xưởng, nâng cấp trang thiết bị để đạt đến con số 15 tấn sản phẩm/tháng. Hạt sen Nam Huy đã vượt qua khỏi lũy tre làng, theo những gói quà, giỏ quà đến với đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.

Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng ảnh 3
Vùng nguyên liệu sen ở Tháp Mười. (Ảnh: HOÀNG KHA)

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp Huỳnh Văn Hiệp chia sẻ: “Nam Huy có lợi thế là nhà máy đặt tại địa phương, nơi có rất nhiều sen, là một vùng nguyên liệu lớn của cả nước. Hạt sen sấy là một trong những mặt hàng chủ lực của công ty trong thời gian qua.

Đó cũng là lý do Nam Huy chọn sản phẩm hạt sen đi thi OCOP 5 sao. Từ đó khẳng định chất lượng cũng như quảng bá về sản phẩm để nhiều người biết đến. Qua đây sản phẩm của Nam Huy sẽ có cơ hội được nhiều khách hàng hơn.

Mục tiêu của Nam Huy trong thời gian tới là đẩy mạnh xúc tiến nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu nhiều hơn nữa để vừa nâng cao doanh số bán hàng của công ty, vừa góp phần tiêu thụ nông sản cũng như góp phần vào việc giải quyết nhiều việc làm tại địa phương”.

Tác động đến tư duy sản xuất

Tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt nhiều thành tựu, kết quả cao. Chương trình OCOP được sự quan tâm, đồng thuận của các cấp, các ngành, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất-kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng ảnh 4

Sen huyện Tháp Mười tạo ra nguồn nguyên liệu phát triển thành nhiều sản phẩm OCOP.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, tỉnh có 357 sản phẩm OCOP với 1 sản phẩm 5 sao, 81 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 275 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của 119 chủ thể. Ngoài ra, hiện có 3 sản phẩm OCOP của Đồng Tháp chuẩn bị được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xét đánh giá, công nhận 5 sao OCOP.

Đến nay, có gần 40 sản phẩm OCOP nằm trong làng nghề, làng nghề truyền thống, chủ yếu từ làng nghề truyền thống sản xuất bột, hoa kiểng Sa Đéc, làng nghề khô cá lóc, làng nghề đan thảm lục bình, 4 sản phẩm du lịch đạt 4 sao OCOP.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, tỉnh có 357 sản phẩm OCOP với 1 sản phẩm 5 sao, 81 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 275 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của 119 chủ thể. Ngoài ra, hiện có 3 sản phẩm OCOP của Đồng Tháp chuẩn bị được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xét đánh giá, công nhận 5 sao OCOP.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, từ năm 2021, Đồng Tháp đã áp dụng “Phần mềm số hóa OCOP” trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng ảnh 5

Sản phẩm OCOP mít sấy khô ở Đồng Tháp.

Việc áp dụng phần mềm đánh giá sản phẩm OCOP trong những năm qua đã giảm chi phí in ấn trong hoạt động thẩm định, họp hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp; linh hoạt về thời gian đánh giá; thuận lợi trong công tác quản lý, quảng bá sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh được tăng cường thực hiện có hiệu quả qua việc tham gia các diễn đàn, hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Đến nay, cơ bản 100% sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của tỉnh đã tham gia sàn thương mại điện tử.

Cùng với sự đồng thuận phát triển nguồn tài nguyên bản địa của cả hệ thống chính trị, người dân địa phương, đến nay, nhiều chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia vào Chương trình OCOP. Năm 2023 có 113 chủ thể sản xuất với 213 sản phẩm tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát, đánh giá lại hiệu quả sản xuất các sản phẩm OCOP sau 3 năm công nhận. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận đã thay đổi nhiều về tư duy sản xuất so với trước.

Các chủ thể tham gia chương trình OCOP ngày càng chú trọng và có xu hướng mở rộng quy mô vùng nguyên liệu để bảo đảm sự ổn định và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP hoàn thiện hơn.

Một số cơ sở cũng đã tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ của chương trình khuyến công để trang bị các loại máy móc, trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất nhỏ.

Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng ảnh 6
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khảo sát nhà máy của Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười.

Giá trị nông sản địa phương ngày càng gia tăng. Các sản phẩm khi tham gia chương trình OCOP đã được chú ý chuẩn hóa về bao bì, nhãn mác để đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chương trình OCOP; ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào sản xuất nông nghiệp được các chủ thể quan tâm áp dụng đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Việc được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP tạo nền tảng cho các sản phẩm bản địa tiếp cận được các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cùng các thị trường khó tính khác.

Châu Thành là địa phương duy nhất của tỉnh Đồng Tháp có sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Đến nay, toàn huyện đã có 35 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao, chiếm 9,8 % sản phẩm OCOP toàn tỉnh.

Với kết quả đạt được như trên, có thể thấy việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Châu Thành đạt cả về số lượng và chất lượng sản phẩm.

“Để chương trình OCOP thực sự mang lại hiệu quả, hằng năm, huyện đã rà soát tất cả sản phẩm tiềm năng của các tổ chức sản xuất gắn liền vùng nguyên liệu của địa phương.

Huyện chỉ đạo ngành chuyên môn đối chiếu với bộ tiêu chí của Chương trình để cung cấp thông tin cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất các tiêu chuẩn cần đạt, từ đó, tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện từng nội dung tiêu chí, hoàn thiện chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn", Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành Lê Minh Trung cho biết.

Đặc biệt, năm 2023, huyện Châu Thành tổ chức ngày hội trái cây và sản phẩm nông sản địa phương. Tham gia ngày hội là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại nông sản và sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện, các thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ.

Từ đó, ngày hội đã tạo cơ hội cho người sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn liền với hình ảnh địa phương. Ngày hội đã đạt kết quả tích cực, nhiều hợp đồng liên kết đã được ký kết.

Với huyện Tháp Mười, qua 5 năm thực hiện chương trình OCOP đã có không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, chương trình đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, tổng số sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên trên địa bàn huyện là 35 sản phẩm.

“Lúa gạo, sen...” ở Tháp Mười, qua bàn tay chuyên cần của các hộ dân, doanh nghiệp… đã trở thành những sản phẩm OCOP chất lượng, bao bì bắt mắt, thu hút đông đảo khách hàng quan tâm, phục vụ cả thị trường trong nước và quốc tế.

Gỡ vướng những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc đối với các chủ thể khi tham gia chương trình này cũng như của chính quyền địa phương trong việc đồng hành cùng người dân-chủ thể tham gia vào OCOP.

Theo đó, hồ sơ tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP bao gồm khá nhiều các loại giấy tờ liên quan đến toàn bộ quá trình tổ chức sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, mất nhiều thời gian, kinh phí để chuẩn bị so với những cuộc thi đánh giá sản phẩm khác, nên nhiều chủ thể còn e ngại tham gia.

Phần lớn các chủ thể OCOP là những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên hạn chế về nguồn lực, chuyên môn và chiến lược trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp chưa thật sự bền vững.

Một số chủ thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng câu chuyện sản phẩm để mang đậm nét văn hoá, bản sắc địa phương, mặc dù trước đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các chuyên gia tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn chủ thể.

Một số địa phương chưa thực sự xác định được sản phẩm chủ lực để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa; giữa các địa phương có khá nhiều sản phẩm tương đồng nhau.

Sản phẩm OCOP ở quê hương đất sen hồng ảnh 7
Gian hàng sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Nói về mục tiêu phát triển Chương trình OCOP của tỉnh thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, tỉnh tiếp tục duy trì, củng cố các sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao.

Phấn đấu có thêm ít nhất 150 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 15 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao (từ 90 đến 100 điểm) đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia. Phấn đấu củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng.

Song song đó, tỉnh ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng…

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP.