Làng biến đất thành... hoa
Những ngày cuối năm Quý Mão, làng gốm Bát Tràng trở nên nhộn nhịp hơn lệ thường. Trên khắp các ngõ xóm, xe tải, xe chở hàng cỡ nhỏ nườm nượp vào ra. Tiếng gốm chạm nhau trong vắt, tiếng người bán mua… tạo thành thứ âm thanh đặc biệt, riêng có của ngôi làng cổ ngàn năm bên bờ sông Hồng.
Theo những người lớn tuổi, Bát Tràng, tiếng cổ có nghĩa là "chiếc sân lớn chuyên sản xuất bát". Cũng có tài liệu ghi, tên Bát Tràng được bắt nguồn từ cách gọi cũ Bạch Thổ Phường - phường đất sét trắng. Được hình thành từ khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ngay từ thủa “mở đất”, ngôi làng nhỏ đã gắn với nghề làm gốm.
Trải qua biến thiên thời gian, Bát Tràng nay vẫn giữ được hồn cốt của "nghề tổ". Nằm nép bên những con đường bê-tông phẳng lì là những ngôi chùa được ốp sứ, những mái nhà nâu màu đất mới. Một khu chợ khang trang cũng được dựng lên giữa xóm 5 để trưng bày, bán mua sản phẩm do chính tay những người con đất Giang Cao đắp nặn, thổi hồn.
Làng cổ Bát Tràng mang trong mình tinh hoa hàng trăm năm của gốm sứ Việt. |
Du khách có thể ghé bất kỳ đâu, từ phòng trưng bày sáng choang ánh đèn, đến vài con ngõ ngoằn ngoèo, sâu hun hút để lựa chọn các tác phẩm gốm đủ màu sắc, dáng hình và kích thước. Bát Tràng, ngôi làng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng được xem như trung tâm của gốm sứ Việt Nam khu vực phía bắc, đưa gốm sứ vươn xa, trở thành “báu vật” được lưu truyền cùng năm tháng.
Bên ly trà thơm, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh khẽ trầm ngâm nói: "Người dân làng Bát Tràng vốn xem trọng văn hóa cội nguồn, muốn lưu giữ lại những gì mà cha ông để lại". Chính suy nghĩ ấy khiến anh luôn trăn trở để tìm một hướng đi riêng cho sản phẩm gốm sứ của mình.
Năm 2013, anh thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Gốm Tân Thịnh, nơi tập hợp 11 thành viên đều là những nghệ nhân giỏi, ưu tú của làng. Ngay từ những ngày đầu, Tân Thịnh đã tập trung nghiên cứu để "làm mới" gốm cổ.
Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân bên dòng sản phẩm gốm men Suối ngọc của mình. |
"Nói đến gốm Bát Tràng, người ta sẽ hình dung ra những dòng men thời Lý, Trần, Lê, đó là những dòng chảy văn hóa in sâu vào tâm thức của người Việt. Thế nhưng, Tân Thịnh lại quyết định chọn dòng gốm nghệ thuật mang tính chất trang trí đương đại, đưa gốm truyền thống vào đời sống, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt sinh động”, anh Tân kể lại.
Đối mặt với nhiều khó khăn đến độ “có lúc tưởng phải đóng cửa, tắt lửa lò”, nhưng nhóm nghệ nhân của làng “đất sét trắng” vẫn không nản lòng. Họ đẩy mạnh nghiên cứu về công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại vào các công đoạn sản xuất như máy đánh hồ, máy khuấy, máy nghiền ly tâm, lò nung đốt liên hoàn bằng điện, máy in hoa văn.
[Ảnh] Độc đáo ấn Rồng dát vàng Bát Tràng bằng gốm sứ
Bên cạnh đó, để tăng tính nhận diện sản phẩm, mỗi năm Tân Thịnh đều sẽ cho ra những bộ sản phẩm với họa tiết, màu sắc khác nhau, phù hợp với thị hiếu của từng phân khúc khách hàng. Một số tác phẩm tiêu biểu được người yêu nghệ thuật ưa thích phải kể đến: Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây, tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu gốm men màu gấm kim sa, Sen cổ có chất liệu gốm men màu đục mờ…
Đặc biệt, năm 2023, bộ sản phẩm men Suối ngọc của Hợp tác xã đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá rất cao về độ sáng tạo cũng như thiết kế tinh xảo, đạt được chứng nhận OCOP 5 sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kể chuyện tinh hoa ngàn năm qua men Suối ngọc
Cầm trên tay chiếc bình cỡ lớn có đủ 5 màu sắc, nghệ nhân Trần Đức Tân giải thích: Từ năm 2018, anh đã nghĩ tới việc tạo nên một loại men tổng hòa được tinh hoa cổ truyền của làng Bát Tràng.
“Đó phải là loại men có đủ các yếu tố âm dương ngũ hành, đồng thời thể hiện được nét đặc trưng riêng có về kỹ thuật thực hiện của Bát Tràng”, anh Tân kể.
Để tạo ra tác phẩm có sự khác biệt ấy, nhóm nghệ nhân đã thử nghiệm rất nhiều phương pháp. Sau những ngày miệt mài trong xưởng, sau cùng, Tân Thịnh đã chế tác thành công men Suối ngọc.
Màu gốm đặc biệt của sản phẩm gốm men được tạo nên từ những nguyên vật liệu của Việt Nam cùng kỹ thuật phối trộn tỉ mỉ riêng biệt để tạo nên 5 màu sắc đặc biệt và hiệu ứng sống động trên bề mặt gốm trong quá trình nung đốt ở nhiệt độ từ 1.250 độ C-1.300 độ C. Trải qua nhiệt độ cao, các oxit tan chảy trong môi trường oxy hóa, một lượng lớn cacbon và các chất silic, kali... tan chảy và hòa quyện vào nhau tạo ra bề mặt men tỏa sáng như ngọc.
Kỹ xảo trang trí phủ men có thể biến đổi thành đa sắc, tạo ra các hiệu ứng như ngũ hành vũ trụ bao la thấu quang có một không hai trên tác phẩm. Mỗi sản phẩm được tạo nên đều có nét riêng biệt, không hoàn toàn giống nhau.
Cũng theo nghệ nhân, đây là một trong những sản phẩm mang cả những nét truyền thống và đương đại. Gốm men Suối ngọc khẳng định là sản phẩm gốm Bát Tràng của thế hệ mới, không thuộc dạng kiểu phục chế những gì của thế kỷ cũ. Dù vậy, sản phẩm này vẫn kế thừa những tinh hoa truyền thống nhưng mang hơi thở đương đại. Điểm nhấn phải kể đến việc bản thân Suối ngọc đã hội tụ 5 loại men cổ xưa của gốm Bát Tràng. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng mang 5 màu sắc biểu tượng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Dòng men Suối ngọc tạo nên một bức tranh đa màu sắc, riêng có trên từng sản phẩm gốm. |
“Khi men Suối ngọc lần đầu tiên được ra đời, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi… thiếu tích cực. Thế nhưng, cứ đi mãi sẽ thành đường. Cả Hợp tác xã vẫn kiên trì với lựa chọn của mình. Với chúng tôi, Suối ngọc mang trong mình 3 yếu tố cơ bản: Đất-Nước và Lửa, là biểu tượng cho mưa ngọt, gió lành; đồng thời hàm chứa trong mình tinh hoa ngàn năm của làng cổ”, nghệ nhân Nguyễn Đức Tân chia sẻ.
Đặc biệt, trên mỗi sản phẩm, nghệ nhân thư pháp của làng gốm Bát Tràng đã chắp bút những câu danh ngôn, triết lý của cha ông để truyền tải cho thế hệ sau. Mỗi khách hàng sẽ tự lựa chọn những điều mà mình muốn viết lên sản phẩm gốm men Suối ngọc. Những tác phẩm thư pháp trên gốm đều do chính vợ của nghệ nhân, chị Nguyễn Thu Hằng chắp bút.
Chính từ ý nghĩa đó, tác phẩm “Bộ sản phẩm gốm men Suối ngọc”của nghệ nhân Trần Đức Tân cho người thưởng ngoạn cảm nhận về sự kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại. Nó không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống mà còn mang lại giá trị tinh thần vô giá, hướng đến cái chân thiện mỹ, đem đến sự bình an, hạnh phúc và thành đạt.
Mỗi sản phẩm Gốm men Suối ngọc sẽ có một diện mạo riêng, không trùng lặp. |
Chia sẻ thêm với chúng tôi, Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân cho biết, hiện nay, toàn quốc có gần 10.000 sản phẩm OCOP của hơn 4.000 doanh nghiệp. Điều đáng tự hào nhất là Bát Tràng có tới 2 đơn vị có sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Anh khẳng định, khi men Suối ngọc được công nhận OCOP 5 sao, khách hàng tìm tới Hợp tác xã nhiều hơn, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm là cơ hội hiếm có để gốm Bát Tràng nói riêng, các sản phẩm khác nói chung khẳng định vị trí của mình trên thị trường. Qua đó, mỗi sản phẩm sẽ góp phần “định vị” địa phương, làng nghề như một “viên ngọc di sản” của quốc gia.